Đình Khúc Thuỷ

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:26, 13/01/2023

Đình Khúc Thuỷ ở ngã ba sông Nhuệ và sông Hoà Bình chảy từ phía đường 22 sang và cũng là khu cống của cánh đồng Bảy Giỏ.

Đình còn có tên gọi là miếu Khúc Thuỷ, xưa có chợ Sái gần ngay đình nên dân gian có câu ca: “Chợ Sái, đường cái quan, thành hoàng Khúc Thuỷ”. Xung quanh đình còn có nhiều gò đống biểu hiện của một vùng đất tứ linh, và chính ngôi đình này dựng trên gò đất “họng rồng”, hai mắt là hai dòng sông phía trước.

Ngôi đình không biết có từ bao giờ, nhưng dấu vết trùng tu lớn vào năm Khải Định thứ 5 (1920). Với kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” ngôi đình gồm cổng mã, tường bao nối liền dãy Tả hữu vu, phía sau là nhà tổ, bên trong có Phương đình, Đại bái và Hậu cung. Trong đình có nhều bức cốn thời Nguyễn, chạm khắc đề tài tứ linh, hoa lá, vân xoắn uyển chuyển, ngư long cuốn thuỷ khá đẹp. Mỗi gian đình có cửa võng chạm trổ sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Đình Khúc Thuỷ thờ đức Thành hoàng làng Trần Thông, một vị tướng giỏi thời nhà Trần, tương truyền đây là con trai duy nhất của danh tướng Trần Khát Chân (1370 - 1399) bị Hồ Quý Ly sát hại. Trần Thông có công đánh giặc Minh vào thế kỷ XV, giúp Giản Định Đế khôi phục giang sơn, về sau ông đi tu và giúp nhân dân trong vùng phòng tránh bệnh dịch. Khi ông mất, nhân dân nhiều nơi thờ ông như đình Mỹ Tiên (huyện Mỹ Đức), đình Bắc Lãm (quận Hà Đông).

Ngoài những di vật phong phú về loại hình như bát hương, hoành phi, câu đối... đình còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong, trong đó có những sắc phong của triều Lê, phong tặng đức Trần Thông là Thượng đẳng phúc thần. Đình Khúc Thuỷ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)