Cảnh báo gia tăng tai nạn do pháo nổ

Văn hóa - Xã hội - Ngày đăng : 14:25, 13/01/2023

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2023, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận các ca tai nạn do pháo nổ. Đáng lưu tâm, không ít học sinh đã nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng do học cách tự chế pháo trên mạng xã hội.

Thông tin cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tiếp nhận gần 10 trường hợp nhập viện do bỏng pháo. Bệnh nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 20, hầu hết bỏng độ 3-4 ở vùng đầu, mặt, cổ, thân, phải thở máy. Trường hợp thanh niên 17 tuổi (ở Hải Dương) chỉ vì tò mò nên mua pháo về tự chế. Hậu quả là bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng bỏng toàn bộ vùng mặt, cổ, thân, 2 tay, các vết thương phù nề…

Bác sĩ Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, đa số bệnh nhân không biết nguồn gốc thuốc pháo ở đâu, thậm chí không biết về quy trình, cách thức tạo ra pháo và mức độ nguy hiểm khi tự chế tạo pháo.

Thời điểm này, tại Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ. Chẳng hạn như trường hợp nam bệnh nhân (15 tuổi ở tỉnh Nam Định), sau khi nghịch pháo cũng bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp, lộ gân cơ…

Bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho hay, pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Ngoài ra, hội chứng sóng nổ còn gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay, chân... Các chấn thương do pháo nặng hay nhẹ, tùy thuộc vào lượng thuốc nổ và tính chất quả pháo.

Trường hợp khác, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, các bác sĩ vừa phẫu thuật cho nam thiếu niên 14 tuổi ở tỉnh Bắc Giang nhập viện trong tình trạng bị thương nặng do pháo tự chế phát nổ. Trước đó, thiếu niên này mua thuốc pháo trên mạng xã hội, khi đang tự nghiền, chế pháo ở nhà bằng máy xay sinh tố thì bất ngờ pháo phát nổ. Nhiều mảnh kim loại văng vào ngực trái bệnh nhân. Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, chụp phim X-quang ngực thấy có 2 dị vật kim loại trong lồng ngực nằm sau xương ức bên trái, nghi ngờ tổn thương tim. Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu kịp thời lấy dị vật...

Theo các bác sĩ, trong pháo có những hóa chất như: Phốt pho, lưu huỳnh… Đa số người chế tạo pháo do tiếp xúc gần, nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực. Thậm chí, vùng tổn thương có thể nhanh chóng bị phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Hơn nữa, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ lâu dài về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng.

Để không còn những tai nạn thương tâm do pháo nổ, các bác sĩ cho rằng, hơn lúc nào hết, gia đình và nhà trường cần chung tay giáo dục trẻ em, học sinh không được tự chế và sử dụng các loại pháo. Với những người trẻ ở độ tuổi trưởng thành hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Các gia đình cần quan tâm đến trẻ, giám sát việc trẻ xem các video clip dạy cách làm pháo nổ tự chế trên mạng...

Phương Anh