Lễ hội Chùa Hương năm 2023: An toàn, văn minh và thân thiện

Chính sách & Quản lý - Ngày đăng : 13:08, 11/01/2023

Đó là nội dung chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trong buổi làm việc với huyện Mỹ Đức chiều 10/1 về công tác tổ chức và quản lý Lễ hội Chùa Hương năm 2023.
z4030488219019_14fb197559b370f8cea53f290a249b73.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp còn có đại diện: Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố; các Sở, ngành: Văn hoá và Thể thao, Thông tin và Truyền thông, Du lịch, Y tế, Giao thông Vận tải, Công an Thành phố… cùng lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Mỹ Đức.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2023 cho biết: Lễ hội năm nay chính thức mở từ ngày 27/1 và kéo dài đến hết ngày 23/4 (tức từ mùng 6 tháng Giêng đến mùng 4/3 Âm lịch). Đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón tiếp du khách về trẩy hội.

Cụ thể, Ban Tổ chức đã thành lập 7 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát và 1 tổ kiểm tra liên ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai, thực hiện và hoàn thành trước ngày 11/1, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh, vệ sinh môi trường… và nếp sống văn minh trong lễ hội.

Đặc biệt, lễ hội năm nay có nhiều nét mới, như chuyển đổi hình thức bán vé tham quan truyền thống sang mô hình vé điện tử. “Đến nay, đã in vé hóa đơn điện tử và hoàn thiện lắp đặt hệ thống kiểm soát vé qua mã vạch QR-Code, với 10 lần kiểm soát; hoàn thiện tập huấn cho đội ngũ kiểm soát vé cũng như sẵn sàng phương án dự phòng khi có vấn đề phát sinh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nhấn mạnh.

Cũng tại mùa Lễ hội năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương đưa dịch vụ xe điện vào vận hành thử nghiệm, với 3 tuyến đường: Bến xe Hội Xá - Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê - Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe đường số 1 - Bến đò chùa Tuyết Sơn. Công tác định giá, khảo sát hạ tầng tuyến xe điện đã được hoàn thành vào ngày 9/1; đồng thời, điều phối giao thông, xuồng đò; bỏ 2 cổng bán vé: Tiên Mai, Đục Khê; nâng cấp các bãi đậu xe, xây dựng phương án điều tiết, nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông.

z4030488447614_9a70afbb2df45f884174c1339c42e768.jpg
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2023 báo cáo tại cuộc họp.

Để tạo điều kiện cho nhân dân du Xuân, trẩy hội thêm ý nghĩa, huyện Mỹ Đức đã triển khai banner mã QR, lắp đặt Wifi… phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử văn hóa di tích, Lễ hội Chùa Hương; huy động 4.500 xuồng, đò đáp ứng nhu cầu di chuyển trên suối Yến của du khách. Các hành vi chèo kéo, ép giá, tranh giành khách, đổi tiền lẻ, cờ bạc, hành nghề mê tín dị đoan… sẽ được kiểm soát, xử lý nghiêm bởi 4 tổ an ninh trật tự, thường trực tại các điểm trọng yếu, như: Khu vực Thiên Trù - Hương Tích - Giải Oan, khu vực bến đò Thiên, khu vực đền Trình - bến Yến, khu vực trung tâm xã Hương Sơn - tuyến chùa Thanh Sơn - Long Vân - Tuyết Sơn.

Sau khi nghe báo cáo của huyện Mỹ Đức cùng ý kiến trao đổi của các Sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá: Qua mỗi năm, công tác tổ chức Lễ hội của huyện Mỹ Đức càng thêm chuyên nghiệp, cho thấy những cố gắng trong việc đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong dịp đầu Xuân mới.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn lưu ý, sau 2 năm Lễ hội dừng tổ chức, tạo “sức nén” rất lớn trong dân, dễ “bung tỏa” nhu cầu tham quan, trẩy hội trong dịp này. Chính vì vậy, huyện Mỹ Đức cần tính toán đến các phương án dự phòng, huy động lực lượng, triển khai diễn tập nhuần nhuyễn, tránh "vỡ trận", nhất là vấn đề ùn tắc, chen lấn hay quá tải bến bãi trông gửi xe, phòng, chống dịch bệnh... Các Sở, ngành liên quan cũng cần vào cuộc hỗ trợ, tư vấn cho địa phương các phần việc thuộc lĩnh vực của mình để công tác quản lý và tổ chức Lễ hội Chùa Hương 2023 thêm hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn lưu ý, bên cạnh bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ, cần chú trọng xuyên suốt trong Lễ hội là thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong không gian di tích. Ngay từ bây giờ, địa phương và các đơn vị cần lên các kế hoạch về tuyên truyền, giáo dục, vận động nội dung này với sự tham gia của Giáo hội Phật giáo, trụ trì chùa Hương… thông qua các buổi nói chuyện với Phật tử, các chương trình tuyên truyền trên hệ thống báo chí…, góp phần nâng cao ý thức từ lời nói, trang phục, hành vi ứng xử trong lễ hội.

“Về lâu dài, địa phương cần phối hợp với các ngành liên quan xây dựng bộ nhận diện quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa mảnh đất, con người Mỹ Đức; xây dựng sản phẩm du lịch ẩm thực mang dấu ấn địa phương…, tăng sức hấp dẫn cũng như nâng tầm chất lượng dịch vụ cho điểm đến”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Lễ hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8/4/1962. Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi Chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” thì nơi đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát đã được Việt hoá và danh xưng là Phật Bà chùa Hương, nghĩa là: Dấu vết thơm tho. Ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm là ngày khai hội Chùa Hương. Ngày này vốn là ngày mở cửa rừng của người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch.

Hải Truyền