Đình Khuyến Lương

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 09:20, 11/01/2023

Đình Khuyến Lương trước thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Khuyến Lương là một ngôi làng cổ rất nổi tiếng ở phía đông nam của kinh thành Thăng Long. Cuối thời Trần, Khuyến Lương nằm trong thái ấp của danh thần Trần Khát Chân, một gương mặt lịch sử lớn của vương triều Trần, người có công đập tan quân Chiêm Thành, giết vua Chế Bồng Nga sang xâm phạm bờ cõi nước ta. Vẻ đẹp của vùng đất mà Thượng tướng Trần Khát Chân chọn xây thành điền trang thái ấp đã được Nguyễn Trãi ca ngợi: Vùng ấy, đất thì đỏ chín cùng sắc xanh đen, ruộng thì vào hạng thượng thượng, hơn nữa dòng sông Kim Ngưu như một dải lụa vắt ngang đã là một món quà của thiên nhiên tặng cho vùng này.

Năm 1399, tướng Trần Khát Chân bị sát hại sau khi kế hoạch giết Hồ Quý Ly không thành, thái ấp cũng bị tàn phá, tiêu vong. Trung thần Trần Khát Chân tuy chỉ gắn bó với vùng đất này trong một thời gian ngắn, song công đức và sự nghiệp của ông đã in đậm dấu ấn trong đời sống văn hoá của nhân dân trong vùng. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn ông, các làng trong khu vực thái ấp xưa, trong đó có làng Khuyến Lương đều thờ Trần Khát Chân làm Thần hoàng làng bảo vệ cho cuộc sống cộng đồng.

Nằm trong một vùng quê giàu truyền thống lịch sử, di tích đình Khuyến Lương có bề dày tồn tại lâu đời theo thời gian. Đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Lúc sinh thời, Trần Khát Chân đã xây dựng nên điền trang thái ấp ở khu vực này. Trong quy hoạch điền trang, Khuyến Lương được quy hoạch thành vùng trồng dâu nuôi tằm, nghề cổ truyền đó gắn bó với dân làng mãi về sau. Hình ảnh và sự nghiệp của danh tướng họ Trần luôn in đậm trong hồi ức, tâm linh của các thế hệ dân làng Khuyến Lương.

Theo thời gian, đình Khuyến Lương từng là cơ sở cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 6 năm 1945, tại đình Khuyến Lương đã thành lập 2 lớp học truyền bá quốc ngữ. Ngày 19/8/1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, 2 lớp học này là nhân tố nòng cốt lật đổ chính quyền cũ, lập ra chính quyền mới của dân và lập ra Đội tự vệ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để tham gia chiến đấu bảo vệ chính quyền.

Đến tháng 6 năm 1946, tại ngôi đình đã mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên của Công đoàn Việt Nam. Năm 1947, nhân dân thôn Khuyến Lương xây dựng cơ sở tại vùng địch, đình là nơi vận động nhân dân mua công phiếu công trái kháng chiến, vận động nhân dân che giấu cán bộ, bộ đội và dân quân du kích.

Từ năm 1948 đến năm 1949, phong trào cách mạng rất mạnh, địch luôn khủng bố cướp bóc của dân, địch đưa Tây đóng bốt tại nhà thờ Khuyến Lương nhằm đàn áp phong trào cách mạng tại đây. Tại cổng đình ngày 21/10/1949, chúng bắn chết đồng chí Nguyễn Văn Kháng là du kích quân. Đến tháng 6/1950, chúng đóng bốt ngay tại đầu làng, vây ráp, lùng sục chống phá phong trào cách mạng của địa phương. Mặc dù vậy, nhân dân vẫn đoàn kết một lòng chiến đấu, bảo vệ cán bộ, bảo vệ quê hương.

Năm 1961, làm tốt chăn nuôi, trở thành lá cờ đầu của phong trào nông nghiệp Thủ đô, nên nhân dân Khuyến Lương đã vinh dự được đón Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Hoàng thân Xuphanuvông và Bác Tôn Đức Thắng về thăm.

Năm 1964, khi Mỹ leo thang đánh chiếm miền Bắc, đình Khuyến Lương là nơi chứa hàng quân dụng (xoong, chảo, thực phẩm khô và thuốc men) phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, đình là nơi chứa đạn pháo cao xạ của hai trận địa pháo và 1 trận địa tên lửa để bảo vệ cầu phà sông Hồng.

Đình Khuyến Lương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)