Văn học , nghệ thuật góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm người Hà Nội
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 09:17, 11/01/2023
Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thanh Học - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xung quanh những kết quả cơ bản Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật sau một năm thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư và định hướng thời gian tới.
Phóng viên (PV): Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng vào công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ, hiệu quả cao hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian vừa qua, Thành uỷ Hà Nội đã triển khai những việc làm cụ thể như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thanh Học: Như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư đã đề ra 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị các cấp từ thành phố tới cơ sở tiếp tục quán triệt và triển khai cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời cụ thể hóa thành các chương trình, đề án. Trọng tâm là Chương trình số 06 - CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, con người, một trong 10 chương trình lớn của Thành ủy Hà Nội.
Đặc biệt, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực lớn về văn hóa của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Thủ đô, kết hợp nguồn lực sẵn có, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ…
PV: Đảng bộ Thành phố Hà Nội có những bước chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đã chuyển hóa từ nhận thức thành hành động cụ thể. Vậy xin đồng chí cho biết, thành phố đã quan tâm, tạo điều kiện cho việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô như thế nào?
Đồng chí Phạm Thanh Học: Đảng xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng… Vì vậy, việc triển khai thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng con người được Hà Nội đặc biệt coi trọng, trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với phương châm kiên trì, bền bỉ. Để phát huy thế mạnh của văn hóa vào việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm người Hà Nội đạt hiệu quả thì văn học, nghệ thuật giữ vị trí then chốt.
Hà Nội đặc biệt quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ. Không chỉ đối với đội văn nghệ sĩ sinh hoạt tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội mà còn cả các văn nghệ sĩ hiện đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội, là kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhân dân yêu thích văn học nghệ thuật… với nhiều chính sách, việc làm thiết thực. Hằng năm, lãnh đạo thành phố tổ chức thăm hỏi, gặp mặt các văn nghệ sĩ tiêu biểu trên địa bàn dịp đầu xuân năm mới để tri ân, tôn vinh những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ với Thủ đô; tổ chức các hội nghị, hội thảo lắng nghe văn nghệ sĩ “hiến kế” xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thành phố định kỳ tổ chức cung cấp thông tin tình hình thời sự trong nước và quốc tế; cập nhật, phổ biến, quán triệt những chỉ thị, nghị quyết và văn bản chính sách, pháp luật mới nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, bổ sung kiến thức cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Hà Nội cũng chú trọng đổi mới hình thức, nội dung định hướng tư tưởng, sáng tác thông qua việc mở các trại sáng tác, đưa văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Thông qua các hoạt động, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tăng thêm hiểu biết, chủ động vận dụng sáng tạo trong sáng tác, thể hiện rõ nét vào trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình góp phần tuyên truyền tích cực các chủ trương, chính sách của Đảng và thành phố; bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cũng như xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người Hà Nội.
PV: Để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung trong giai đoạn mới, trong năm qua, thành phố đã triển khai công tác bồi dưỡng, tuyển dụng nghệ sĩ, diễn viên như thế nào thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thanh Học: Sự nghiệp văn học, nghệ thuật Thủ đô luôn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Việc củng cố, đổi mới hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện thường xuyên. Trong năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố luôn chăm lo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ. Hiện nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội có số lượng hội viên đông đảo với gần 4.000 hội viên, sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành. Tính đến nay, tổng số các NSND, NSƯT của thành phố do hội đồng cấp Trung ương xét tặng là 178 (27 NSND, 151 NSƯT). Số kinh phí đầu tư từ ngân sách của thành phố tới các hoạt động của Hội trong 5 năm qua khoảng 58 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm của thành phố tới các hoạt động phát triển văn học nghệ thuật.
Đồng thời, việc huy động các nguồn lực và phương tiện cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố luôn được tăng cường. Một số công trình văn hóa, nghệ thuật được đầu tư quy mô lớn đã hoàn thành. Các nhà hát nghệ thuật của thành phố hiện nay đều có rạp để luyện tập và biểu diễn phù hợp với đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật. Ngoài ra thành phố còn tăng cường đầu tư cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2022, thành phố đã tuyển dụng đặc cách đối với 32 nghệ sĩ, diễn viên; tuyển dụng mới 56 nghệ sĩ, diễn viên. Dự kiến thời gian tới thành phố sẽ xây dựng và ban hành Nghị quyết “Quy định chế độ, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND-NSƯT; Nghệ sĩ đạt giải thưởng cao nhất tại các kỳ thi, liên hoan cấp quốc gia, quốc tế”.
PV: Từ những đầu tư của thành phố đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, đồng chí có nhận định gì về số lượng và chất lượng các sáng tác của giới văn nghệ sĩ Thủ đô thời gian qua?
Đồng chí Phạm Thanh Học: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay hội viên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã cho ra đời trên 15.000 tác phẩm. Trong đó có 79 tác phẩm của 9 hội chuyên ngành đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô. Các tác phẩm của hội viên luôn đạt nhiều giải thưởng xuất sắc của Trung ương và thành phố. Nhiều văn nghệ sĩ được biểu dương và tôn vinh qua các giải thưởng như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, NSND, NSƯT, đặc biệt có 5 nghệ sĩ được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú… Tuy nhiên, sự nghiệp văn học, nghệ thuật chưa có nhiều tác phẩm giá trị cao về tư tưởng, chất lượng nghệ thuật. Phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành của thành phố chưa thực sự đổi mới, chưa tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ tài năng, văn nghệ sĩ trẻ hoạt động tích cực, tâm huyết, cống hiến, sáng tạo. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa, nghệ thuật chưa ngang tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô.
Có thể thấy tính liên kết, hợp tác cùng phát triển chưa được các hội văn học nghệ thuật, các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố thực sự quan tâm, vẫn còn tâm lý “mạnh ai nấy làm” nên không phát huy sức mạnh tổng hợp tạo nên lợi thế riêng của văn học nghệ thuật Thủ đô, nhất là trong xu thế phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo trên thế giới hiện nay. Về khách quan, cơ chế tài chính, đặt hàng các tác phẩm văn học nghệ thuật còn nhiều bất cập gây khó khăn trong việc phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật, đặc biệt là việc hình thành, phát triển những giá trị mới, có tầm tư tưởng và chất lượng nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của khu vực, thế giới hiện nay.
PV: Năm 2023, Thành phố Hà Nội đã đề ra những giải pháp gì nhằm phát huy tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thanh Học: Để Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa của cả nước, thành phố đã quyết liệt triển khai loạt giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó, kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hà Nội nhằm bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.
Để văn nghệ sĩ có động lực sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật, Hà Nội cần chăm lo phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng; cần có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ… và khuyến khích trao truyền, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, phối hợp, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ của Trung ương trên địa bàn thành phố…
Đón xuân mới Quý Mão 2023, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô. Chúc các nghệ sĩ luôn dồi dào sức khoẻ và sáng tạo không ngừng để có những tác phẩm có giá trị hơn nữa góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!