Thịt kho tàu ngày Tết

Ẩm thực - Ngày đăng : 16:30, 07/01/2023

Ngày Tết hầu như nhà nào cũng chuẩn bị sẵn nồi thịt kho tàu. Thịt kho tàu không chỉ ăn trong ba ngày Tết mà còn thể kéo dài trong nhiều ngày, có khi cho tới hết mùng. Càng kho lâu thì trứng vịt càng ngon, miếng thịt trở nên mềm rục, miếng mỡ của thịt càng phao, bỏ vào miệng như tan đi chất béo, chất ngậy.
cach-lam-thit-kho-tau-sieu-ngon-800x450(1).jpg

Nhắc đến cụm từ "kho tàu" nhiều người thường liên tưởng đến người Tàu - người Hoa. Tuy nhiên, món ăn này xuất xứ từ nền ẩm thực Việt thì với người Việt nói chung và người Nam Bộ nói riêng, món thịt kho tàu giản dị nhưng mang một giá trị tinh thần thiêng liêng, là một mảnh ghép không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.

Món “thịt kho tàu” có tên chính xác là “thịt kho lạc” theo như người dân Nam Bộ. Bởi tính lờ lợ của món thịt kho, ăn dần dần trong những ngày Tết. Món thịt này dùng nước dừa và trứng luộc để nấu nên vị béo ngậy và thơm ngon. Món thịt kho tàu mang ý nghĩa “vuông tròn đều đặn, mọi sự bình an”.

Để có thể nấu được món thịt kho tàu ngon, bạn cần phải chọn được loại thịt heo phù hợp. Bạn nên chọn miếng thịt ba chỉ tươi ngon, không nên chọn thịt quá nạc hoặc quá mỡ. Bởi vì khi nấu lên, thịt sẽ khô hoặc quá béo. Bí quyết chọn thịt ba rọi ngon là chọn theo tỉ lệ 7:3. Tức là 7 phần thịt và 3 phần mỡ, khi kho món thịt sẽ béo mềm, thơm ngon khó cưỡng mà không bị ngán.

Đầu tiên, thịt sau khi mua về thì cạo rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cắt khúc, vuông khoảng 4-5cm, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi để hai giờ cho thịt thấm đều. Sau đó, Phi hành, tỏi rồi xào thịt cho săn lại. Trứng vịt đem đi luộc chín, bóc vỏ, lấy tăm đâm vào trứng rồi đem đi chiên qua dầu để có màu vàng đẹp, thoát hơi tốt. Ngoài ra, ta còn có thể thay thế trứng vịt bằng trứng cút hoặc trứng gà. Thịt sau khi xào thăn, cho 1/2 thìa cà phê nước màu, 1/2 chén nước mắm. Nấu cho đến khi sôi lên thì đổ nước dừa xiêm vào ngang mặt thịt. Cuối cùng cho trứng vịt đã chiên vàng vào khi nước sôi và nấu cho sôi 2-3 lần.

Thịt kho Tàu là món ăn thân quen đối với người dân Việt Nam ta nói chung và người miền Nam nói riêng đặc biệt là dịp Tết, gắn bó với các thành viên trong gia đình từ bé đến lớn, khiến mọi người dễ dàng cảm nhận không khí hòa thuận, sum vầy. Đó cũng là dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, thành công.

Nó trở thành một món ăn truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc và đóng góp vào kho tàng ẩm thực phong phú của Việt Nam.

Kim Thoa