Giáo dục Thủ đô năm 2022: Thành quả ấn tượng

Y tế - Giáo dục - Ngày đăng : 09:32, 01/01/2023

Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022.
z4004734281865_428e8d2e3bb077979fdd33908448c996.jpg
Năm 2022 Hà Nội dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Năm 2022, sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô có những chuyển biến toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được đổi mới; Chất lượng dạy và học luôn được duy trì ổn định. Học sinh Thủ đô phát triển toàn diện về văn - thể - mỹ.

Năm học 2022-2023, Hà Nội đang lập quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Toàn thành phố có 2.840 trường, trên 65.000 lớp, gần 2,2 triệu học sinh; Gần 139.000 giáo viên; Trên 67.500 phòng học.

Hà Nội là địa phương sớm nhất ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố, trong đó có 4 chính sách mới: Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất một lần đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Hỗ trợ kính phí hàng tháng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; Trợ cấp hàng tháng đối với trẻ em mầm non là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp; Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn (với mức gấp 1,5 lần quy định tối thiểu của Chính phủ)…

Năm học 2021-2022, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến chính sách học phí. Ngoài ra, hai đối tượng được hưởng thêm chính sách hỗ trợ học phí: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã miền núi. Học sinh thuộc đối tượng giảm học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP đang theo học tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội; Theo đó học sinh công lập thuộc 2 đối tượng trên sẽ không phải đóng học phí.

Các chính sách trên thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà Nội đối với lĩnh vực , kịp thời chia sẻ khó khăn đối với người dân trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Năm học 2022-2023, thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới các trường học ở các cấp; Đối với khối các trường trực thuộc Sở GD&ĐT đã xây mới, thành lập mới trường THPT Minh Hà; Cải tạo, sửa chữa 42 trường. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến tháng 10/2022, toàn thành phố có hơn 1.500 trường công lập đạt chuẩn, chiếm gần 68% tổng số trường. Nhiều đơn vị có tỷ lệ trường chuẩn cao hơn mức trung bình của thành phố như: Huyện Đan Phượng, quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm, quận Thanh Xuân, quận Long Biên.... (5 đơn vị đứng đầu trong xếp hạng trường chuẩn quốc gia hiện tại).

Dù vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các địa bàn song về cơ bản, những nỗ lực trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận, huyện, thị xã đã và đang gặt hái quả ngọt, tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.

Hà Nội tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế hai kỳ thi gồm: Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 với tổng số học sinh dự tuyển sinh là 129.000 (tăng 19.000 so với năm học 20221-2022); Tốt nghiệp THPT năm 2022 với 97.988 thí sinh tham gia.

Trong năm học qua, học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong tác kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế với 125 học sinh đạt giải quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế.

Đóng góp vào thành tích đó, có thể kể đến dự án của học sinh trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hoa Kỳ). Trong đó, dự án mang tên “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của hai học sinh Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo, cũng là hai anh em ruột, đã đoạt giải cao.

Trên cơ sở phân tích thực trạng cũng như các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng của thanh niên, hai anh em đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để điều chỉnh thói quen chưa tốt ảnh hưởng tới môi trường bằng các hành vi “tiêu dùng xanh”. Cụ thể là tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chi đoàn về chủ đề tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường; Tọa đàm, xây dựng kênh truyền thông để thanh niên hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa…

Đây là một trong 2 dự án đoạt giải trong Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022. Hiện tại, Quang Huy đã trở thành sinh viên một trường đại học ở Australia, còn Gia Bảo đang học lớp 11.

Để có được thành tích ấy không thể không kể đến sự quan tâm của ngành GD&ĐT, tạo điều kiện của nhà trường, khích lệ niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh.

Cũng trong năm 2022, Hà Nội đạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi “Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ XII - 2022” (tổng số 8 cụm, 925 đoàn và 3.588 tiết mục tham gia); Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành GD&ĐT được xây dựng và đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác chuyển đổi số.

Với những kết quả toàn diện đạt được trong lĩnh vực GD&ĐT, Bộ GD&ĐT công nhận thành phố Hà Nội đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (từ tháng 12/2021). Hà Nội là một trong 4 địa phương đầu tiên cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.

Hải Truyền