Hà Nội thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP
Tin tức - Ngày đăng : 11:29, 30/12/2022
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có: Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; đại điện Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Thành phố, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Thành phố; đại diện Sở, ban, ngành và các hộ vay tiêu biểu.
Theo báo cáo của NHCSXH Việt Nam, 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao, trực tiếp, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước.
20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Về kết quả tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo đánh giá của UBND Thành phố, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ được coi là một giải pháp hết sức hiệu quả và thiết thực.
Trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có thể khẳng định chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH luôn được quan tâm chỉ đạo và tập trung phân bổ về những huyện có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, những địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay của người mù, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo lồng ghép tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạn như: Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2016-2020 và Chương trình số 04 -CTr/TU giai đoạn 2021-2025 của Thành uỷ về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô; Kế hoạch phát triển nhà ở cho hộ nghèo; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội với mức chuẩn nghèo cao hơn so với chuẩn Trung ương…
Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua, Thành phố đã bố trí nguồn vốn 1.150 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định cuộc sống.
Tính đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH thành phố Hà Nội là 12.499 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 6.397 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng nguồn vốn, bao gồm ngân sách địa phương ủy thác là 6.382 tỷ đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp ủy thác là 15 tỷ đồng.
Trong 20 năm qua, bình quân mỗi năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội được bổ sung là 319 tỷ đồng, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm được bổ sung là 1.145 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trong 20 năm qua đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho 636.000 lao động, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 11.375 hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, bà Ngô Thị Lan, một hộ vay vốn điển hình xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội xúc động chia sẻ: Gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn, chồng mất từ khi 3 con còn nhỏ, lúc đó con lớn nhất mới học lớp 6, con thứ hai mới học lớp 4, con thứ ba còn chưa đi học. Nhờ vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH Thành phố, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nhờ vào việc sử dụng vốn vay hiệu quả và có uy tín với địa phương, tháng 10/2012, bà Lan đã được các thành viên trong tổ tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Lan làm tổ trưởng đang quản lý 55 thành viên với dư nợ 1,68 tỷ đồng.