Tục tìm khởi chỉ trong lễ hội làng Mọc - Quan Nhân

Văn hóa - Xã hội - Ngày đăng : 08:01, 21/12/2022

Ở làng quê miền Bắc nước Việt ta, đâu có Thành hoàng, có đức Thánh đều có đền đình thờ phụng. Thường các làng thờ một, hai, có khi tới ba vị Thánh, nhưng chưa nơi nào có cả đức Thánh Ông và đức Thánh Bà lại cùng được thờ phụng tại một đình như ở làng Mọc - Quan Nhân (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
dinh-lang-quan-nhan(1).jpg
Một góc đình làng Mọc -Quan Nhân.

Theo ngọc phả của đình làng Quan Nhân thì phu nhân Trương Thị Mị Nương đã tử tiết theo chồng là Đại Vương Hùng Lãng Công sau khi biết tin chồng hi sinh, nên được vua ban cho làng thờ cả hai vị. Vì vậy cứ vào ngày kị của Đại vương, nơi đây diễn ra một lễ hội hết sức độc đáo. Trong lễ hội hàng năm, kiệu của đức Thánh Ông và Thánh Bà cùng được rước rất trang trọng làm tăng không khí thiêng liêng và sự ngưỡng mộ tôn kính của dân làng.


Để góp phần làm cho lễ rước kiệu diễn ra suôn sẻ, không thể không nói tới vai trò của vị khởi chỉ. Trước lễ hội 6 tháng, ban tổ chức đã tuyển chọn khởi chỉ. Trước hết khởi chỉ do dòng họ tiến cử. Lễ hội ở Quan Nhân cần tới hai khởi chỉ. Tiêu chuẩn được chọn làm khởi chỉ rất khắt khe: Một là phải là trai làng, gái làng; hai là điều kiện kinh tế khá giả (để có thể nuôi đội quân giai nam, giai nữ trong ba ngày mà không cần chi viện của làng); ba là người đó phải tình nguyện, coi đó là một vinh dự; bốn là bản thân gia đình người đó phải còn đầy đủ vợ chồng, ở ăn hòa thuận, được bà con dòng họ yêu mến đồng thuận tiến cử; năm là con cái người đó (không nhất thiết đủ cả nếp tẻ) nhưng phải thành đạt và không vi phạm pháp luật. Những tiêu chuẩn này đã thành lệ làng từ bao đời. Khâu cuối cùng là phải thông qua ban di tích địa phương họp và xét duyệt.


Khi đã được thông qua, ban quản lý di tích, ban thể sát cùng các ông bà cựu khởi chỉ đến nhà tân khởi chỉ đọc quyết định và chúc mừng, trước tiên vào nhà ông khởi chỉ rồi sang nhà bà khởi chỉ. Đoàn người ăn mặc chỉnh tề đúng nghi lễ, có cả đại diện chính quyền địa phương và đội văn nghệ.


Ông trưởng ban đọc quyết định, chính thức giao nhiệm vụ cùng niềm vinh dự cho vợ chồng ông tân khởi chỉ và vợ chồng bà tân khởi chỉ, nhắc nhở họ giữ sức khoẻ để hoàn thành trách nhiệm to lớn sắp tới. Nhà ông bà khởi chỉ cũng trang hoàng đẹp đẽ để chào đón.
Trong buổi lễ, đông đảo bà con thuộc dòng họ của tân khởi chỉ, gia đình, hàng xóm đều rất hân hoan chúc mừng. Họ đều cử đại diện lên phát biểu và trao chút tiền cho tân khởi chỉ tỏ ý chia vui, chia sẻ sự vẻ vang và đóng góp chút ít cùng khởi chỉ làm tốt nhiệm vụ. Hôm sau ông bà tân khởi chỉ thiết tiệc cảm ơn họ tộc bà con. Họ mang quần áo, khăn mũ đã may sẵn theo mẫu ở đình để được đức Thánh Ông, Thánh Bà chấp nhận. Sau đó ban tổ chức dẫn các giai nam giai nữ vào nhà khởi chỉ để cùng ra đình lễ trình Thánh. Lễ trình xong, họ thiết các giai ăn uống thịnh soạn vào các ngày mồng 9, mồng 10 và 11.


Rồi ông bà tân khởi chỉ cùng các giai nam nữ tập dượt nghi lễ ba ngày dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn rất nghiêm ngặt của ban thể sát. Nội dung tập là nghi thức lễ, rước đức Thánh. Ông bà khởi chỉ (uy nghi như đội trưởng huy các giai) thì luyện tập đánh chiêng một hồi, hai hồi, một tiếng… như thế nào, khi nào chuẩn bị, khi nào khởi kiệu, khi nào dừng lại… để chỉ huy các giai đúng chuẩn, nhịp nhàng. Ngày mồng 10 nghỉ tập để hôm sau vào chính hội, các dòng họ trong làng, các cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn, đại diện 5 làng Mọc… tấp nập ra lễ Thánh. Ngày 11 là ngày kị đức Thánh Ông diễn ra lễ rước kiệu Ngài ra khỏi đình, rước đức Thánh bà ra khỏi phủ cùng về đình hội xuân.


Đội quân đông đảo nhưng rất chỉnh tề theo hiệu lệnh chiêng của ông bà khởi chỉ. Suốt dọc đường từ đình, phủ tới đình hội xuân (khoảng 500m), người nghênh đón Thánh san sát như nêm, thành kính chắp tay vái lạy. Các nhà hai bên đường biện mâm cỗ hoa quả, khói hương nghi ngút hướng về kiệu lầm rầm khấn vái thành kính chẳng khác gì cảnh tượng đêm giao thừa đón ngài đương cai Hành Khiển trở về trần gian. Nhiều người tranh thủ lúc kiệu dừng, bồng bế con cháu chui qua kiệu mong các ngài phù hộ cho sức khoẻ may mắn. Tại đây đức Thánh Ông mới được gần đức Thánh Bà sau một năm xa cách (mặc dù đình và phủ ở sát nhau).
Ngày 12 sau lễ hội, ông bà khởi chỉ và các giai ra đình lễ tạ. Theo lệ, làng phát kỷ niệm chương cho tân khởi chỉ và các giai. Ông bà khởi chỉ cũng có tặng phẩm cho các giai và các giai cũng lưu lại tặng phẩm cho hai vị “đội trưởng” của mình.


Các giai (tựa như quân hộ vệ long đình, bát cống) tiêu chuẩn lựa chọn cũng khá kỹ càng. Họ đều phải là những nam thanh nữ tú, trai tân, gái trinh khỏe mạnh, phẩm chất đạo đức tốt, không phạm pháp, thường do ban thể sát ấn định, phân về các khu dân cư. Giai nữ cần 60 người (kiệu long đình 4 người khiêng nhưng cần 20 người để thay nhau, còn lại thì cầm cờ sắc, cờ lệnh, chân lưu hộp trầu… hai người cầm quạt đại che hai bên kiệu long đình của Thánh Bà). Giai nam cần 80 người (20 người khiêng long đình, 8 người khiêng kiệu bát cống, còn lại cầm cờ lệnh, binh khí của đức Thánh Ông, hai người xòe quạt đại che hai bên long đình của đức Thánh Ông).


Về ăn mặc, giai nam khăn xếp đen, áo thêu rồng, quần sớ trắng; giai nữ khăn vấn đen, váy đen, áo cánh tiên thêu phượng. Những người rước kiệu đều có đệm vai thêu cẩn thận. Lễ phục này hoặc là do dân cung tiến, hoặc do dân làng sắm.


Lễ hội ở Quan Nhân thường thừa giai vì rất nhiều thanh niên tham gia. Nhiệm vụ của các giai thường rất mệt vì kiệu khiêng rất nặng. Một thanh niên trong nhóm khiêng kiệu chia sẻ: “Kiệu bay, lúc quay tròn, lúc nhảy lên mừng rỡ, khi lại chạy vù vù, chân chúng em không tới đất. Chúng em không thể tự ý mà chịu sự điều khiển siêu nhiên, nhẹ như bay. Quay mệt nhưng quay xong lại tỉnh táo hồi sức ngay”.


Các cụ kể lại rằng xưa có ông võ sĩ Quỳnh, trai làng Mọc vì không tin đức Thánh điều khiển kiệu quay, cho 4 đệ tử ghìm giữ long đình đức Thánh Ông, Thánh Bà, nhưng kiệu hai vị cứ đủng đỉnh đến Ao Dài cạnh đình thì đột ngột quay tròn, quay sang phải, sang trái, gạt 4 đệ tử đó xuống ao. Từ đó ông Quỳnh mới tin.

Hoàng Mai Hương