Đình Hữu Vĩnh

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:19, 19/12/2022

Đình Hữu Vĩnh còn có tên gọi là đình Thu. Đình quay hướng tây nam, phía trước có dòng sông Đáy, kiến trúc theo kiểu chữ “nhất”, bốn mái đao cong lợp ngói ri cổ. Ngôi đình này có niên đại thời Lê, đến thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852) ngôi đình được trùng tu lớn.

Đại bái đình gồm 5 gian 2 chái có chiều dài 19m, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường, kẻ” trên mặt bằng 24 cột, cột cái có chu vi 2m, cao 4m, cột quân cao 2m3, chu vi 1m3. Nghệ thuật chạm khắc chủ yếu tập trung trên các kẻ với các đề tài tứ linh, rồng, phượng, trên các thân rường cụt chạm các hoạ tiết hoa lá. Tại gian giữa Đại bái có một khám lửng, cửa khám chạm khắc tứ linh long, ly, quy, phượng và tứ quý là tùng, cúc, trúc, mai. Tại khám thờ có bộ long ngai bài vị, tay long ngai chạm đầu rồng, trên thân và đế chạm khắc đề tài tứ linh mang phong cách điêu khắc thế kỷ XVIII. Cũng tại khám thờ còn có một cuốn thần phả chữ Hán cùng 24 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Thần phả cho biết, đình Thu thờ Thành hoàng làng là Xung Lang đại vương. Sách “Đại Nam nhất thống chỉ cũng ghi: “Đền Hữu Vĩnh ở xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An. Tương truyền, thần là con Kinh Dương Vương, tên là Quảng Xung…”. Vào thời Lê, thuyền bè qua sông Hữu Vĩnh thấy bọt phù sa nổi lên thì không thể qua được, nếu muốn qua phải cầu đảo, thuyền bè mới lưu thông. Vua Lê sắc phong là “Nam thiên thượng đẳng thần” và ban áo triều bào để thờ. Như vậy, cả ngôi đền và ngôi đình đều thờ ngài Xung Lang và cùng có lễ hội vào ngày 12 tháng tám âm lịch, rước thần từ đền Vựng về tế hội đồng ở đình. Cỗ tế là đôi cá chép sống và nước đã biểu hiện rõ đặc trưng tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Đình Hữu Vĩnh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

                                                            Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh