Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh làm việc với quận Hà Đông
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 10:53, 15/12/2022
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên UBND quận Hà Đông tự chủ tài chính. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2021, quận đã xây dựng các chương trình, kế hoạch để quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, kết quả kinh tế quận từng bước phục hồi và phát triển, giá trị từng ngành đều đạt và vượt kế hoạch.
Giá trị sản xuất công nghiệp của quận ước tính 11 tháng năm 2022 đạt trên 31.126 tỷ đồng, tăng 11,61% so với năm trước; thu ngân sách trên địa bàn 11 tháng ước đạt trên 4.476 tỷ đồng, đạt 84,9%; vốn đầu tư xã hội ước 11 tháng đạt 85.274 tỷ đồng, tăng 23,57% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,29% kế hoạch của năm... Công tác quản lý trật tự xây dựng tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tổng số công trình khởi công trong 11 tháng là 2.285 công trình; hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu phần còn lại trên địa bàn và quy chế quản lý kiến trúc quận Hà Đông.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng của Quận ngày càng được quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các trường học, nhà văn hóa và các công trình dân sinh bức xúc trên địa bàn. Quận đang triển khai thực hiện bố trí cho 290 dự án, trong đó có 50 dự án bố trí vốn khởi công mới; 43 dự án bố trí vốn chuẩn bị đầu tư; 197 dự án bố trí vốn chuyển tiếp. Tổng Kế hoạch vốn giao của UBND quận Hà Đông là 676,437 tỷ đồng, tính đến hết tháng 11, số vốn đã giải ngân là trên 358 tỷ đồng; đạt 52,98% so với Kế hoạch.
Riêng về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn, UBND quận đã ban hành quyết định thành lập hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư và Tổ công tác giải phóng mặt bằng, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án, Tổ công tác tuyên truyền vận động các hộ dân có đất bị thu hồi. Hiện quận đang rà soát số liệu chuẩn bị các điều kiện để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, hướng dẫn các địa phương di chuyển mộ. Dự kiến trong năm 2022 di chuyển 250 ngôi mộ về các nghĩa trang.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng thẳng thắng nêu một số khó khăn, tồn tại cần quan tâm thực hiện đến cuối năm 2022. Đó là, các doanh nghiệp hiện vẫn còn khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn; đối với thu tiền sử dụng đất quỹ đất đấu giá của quận ngày càng hạn hẹp; đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở đang triển khai chưa được phê duyệt giá nên chưa có cơ sở thu tiền sử dụng đất, do vậy thu tiền sử dụng đất những tháng đầu năm còn đạt thấp.
Một số dự án Thành phố trên địa bàn quận chậm triển khai như: Đồ án quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc, Dự án Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông (theo hình thức BT sau ngày 01/01/2018).
Kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng còn nhiều điểm đen ách tắc giao thông trên địa bàn nhất là: Nút giao đường Quang Trung (QL6) với đường Lê Trọng Tấn, nút giao thông Xa La (đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An - đường 70), Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Tại buổi làm việc, UBND Thành phố, quận Hà Đông cùng và các sở, ban, ngành đã trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hạn mức giao đất dịch vụ; về thu tiền (tạm thu) của các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dịch vụ để hoàn trả vốn ngân sách; đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư theo hình thức hợp đồng BT...
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhận định, với vị thế là quận lớn ở phía Tây Nam Thủ đô, dẫn dắt sự phát triển của các vùng xung quanh, bộ mặt đô thị của Hà Đông trong những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực nhưng chưa tương xứng. “Không thể có đô thị văn minh mà nếu chúng ta không có những công dân đô thị…Gốc rễ vấn đề là văn hóa ứng xử, nền nếp trong từng địa bàn… Cấp ủy, chính quyền địa phương Hà Đông cần kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đô thị thực sự đồng bộ, đồng đều từ cán bộ cho đến người dân”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố biểu dương quận Hà Đông đã trách nhiệm, quyết tâm đối đầu với những khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm, trong đó điển hình như vừa qua quận đã xử lý dứt điểm, hiệu quả các vi phạm tại Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, hướng đến xây dựng “lá phổi xanh” cho địa bàn quận.
Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2023 hết sức nặng nề, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị cả hệ thống chính trị quận Hà Đông cần quyết tâm, phát huy truyền thống đoàn kết, phân định rõ quy chế công tác nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian còn lại của năm 2022 và cả năm 2023, tạo chuyển biến về các mặt quản lý đô thị, phấn đấu đưa quận trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp của Thủ đô.