Hành cung Cổ Bi

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:01, 14/12/2022

Hành cung Cổ Bi (đình Bình Minh) hiện nay thuộc tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một dấu tích lịch sử quan trọng liên quan mật thiết tới chúa Trịnh Cương, một nhân vật lịch sử nổi tiếng ở đầu thế kỷ XVIII.

Hành cung đã được chúa Trịnh Cương cho xây dựng nhằm mở rộng kinh đô Thăng Long phát triển về phía đông và làm nơi nghỉ ngơi của chúa khi đi tuần du về các vùng đất phía đông kinh thành.

Qua các nguồn tư liệu thư tịch, sử sách như “Làng xã ngoại thành Hà Nội” của Bùi Thiết, “Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam” hay “Nhân vương Trịnh Cương” của Trịnh Xuân Tiến... có thể khẳng định Hành cung Cổ Bi được chúa Trịnh Cương cho xây dựng vào tháng 11 năm 1727.

Theo truyền miệng thì từ giữa thế kỷ XVIII, Hành cung Cổ Bi đã trở thành một hệ thống thành luỹ và cung điện nguy nga, lộng lẫy. Đại bản doanh của chúa Trịnh được đặt trên đồi Cổ Bi, là một cung điện lớn được xây dựng từ các vật liệu là gạch, gỗ. Hệ thống đường thành đi lên cung điện cũng rất lớn và xây dựng bằng gạch đá xanh. Xung quanh đồi Cổ Bi là hệ thống tượng các quan tuỳ tùng trong phủ chúa. Trong thành có rất nhiều cây cổ thụ xum xuê, tôn cho quần thể di tích vừa đẹp, vừa uy nghiêm bề thế.

Quy hoạch mặt bằng của đình, bên ngoài Nghi môn (cách khoảng 400m) là vị trí đặt hai linh vật hổ phù. Qua Nghi môn đến 9 bậc thềm đá kiểu tam cấp, lát đá xanh đen, hai bên bậc thềm đắp hai rồng uốn gấp khúc. Lùi vào hai bên chừng 2 - 3m là vị trí đặt 4 linh vật voi đá và sử tử đá. Từ cửu thêm, thần đạo đi qua một sân lát gạch có diện tích khoảng trên 200m là dẫn vào đình (khu kiến trúc thờ chính của di tích), nhà tả mạc nằm phía bên trái của sân trước, phía sau còn có một sân lát gạch diện tích khoảng 300m là nơi chơi đánh “bóng cửa”. Xung quanh đình được trồng nhiều cây ăn quả và cây cổ thụ.

Khu kiến trúc chính được xây dựng theo hướng nam, toà Đại đình gồm 5 gian, 2 dĩ, mái được lợp ngói ta, bờ nóc và bờ dải đắp gờ nhô cao. Giữa bờ nóc là hình rồng chầu mặt trời, hai đầu kìm đắp hình hai đầu rồng Từ hai tường hồi của Đại đình được xây nối liền tới hai trụ biểu ở trước. Mặt trong bức tường hồi đắp hình 2 pho tượng võ tướng trong đứng canh gác. Võ tướng bên trái cầm thanh giáo, võ tướng bên phải thanh gươm, khuôn mặt quắc thước, dáng hình oai vệ.

a5_su-tu-da-3.jpg

Kết nối với gian chính giữa của toà đại đình là Hậu cung, trong Hậu cung được xây hai bệ thờ bằng gạch. Các đồ thờ được sắp xếp: nơi cao nhất là nơi đặt tượng thờ chúa Trịnh Cương ngồi trên ngai (tượng có chiều cao là 0,95m, ngai thờ có chiều cao là 0,98m). Tiếp ở phía trước là nơi đặt các đồ thờ tự khí, dọc hai bên bệ thờ phía ngoài đặt bộ chấp kích.

Tiếp đến là nhà tả mạc nằm ở bên trái (phía trước) của đình gồm một nếp nhà 4 gian được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải đắp gờ nhô cao, các bộ vì được kết cấu theo kiểu kèo suốt.

Trải qua hơn 200 năm, di tích đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến đổi thăng trầm của lịch sử, sự xói mòn của thời gian, do vậy các công trình kiến trúc, cảnh quan cùng các di vật cổ đã bị phá huỷ hầu hết, dấu tích còn lại duy nhất là hệ thống nền móng của toà hành dinh tại vị trí lối vào Hành cung và 6 linh vật sư tử, hổ, voi đá vẫn ở nguyên vị trí như thời khởi dựng. Hành cung Cổ Bi còn bảo lưu được ba bộ linh vật bằng đá có giá trị thẩm mỹ, các linh vật này được tạo tác công phu, nét chạm khắc mềm mại, trau chuốt được thể hiện ở hình dáng, khuôn mặt và ở các chi tiết nhỏ như móng vuốt, râu, lông của linh vật sư tử, hổ... đã khắc họa được bản tính của từng loài vật, để lại cho các thế hệ sau những tác phẩm nghệ thuật sinh động, giàu tính thẩm mỹ.

Năm 1998, đình được trùng tu khôi phục lại với quy mô 3 gian Đại đình và 2 gian Hậu cung như trước đây. Đến năm 2005, ngôi đình được tu bổ, mở rộng thêm 2 gian toà Đại đình, xây mới Nghi môn, 4 gian tả vu, làm sân.

Hành cung Cổ Bi đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)