Đình làng Cống Vị
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:48, 14/12/2022
Cống Vị ven đô đất trồng hoa
Lại giỏi nông trang thóc đẩy nhà
Đối Phượng quanh co dòng nước chảy
Cây xanh toả bóng tiếng chim ca.
(Ca dao cổ)
Huyền tích kể rằng: Chàng trai Hoàng Phúc Trung (sau này được suy tôn là Thành hoàng Lệ Mật) sau khi vớt được xác công chúa trên sông Thiên Đức (sông Đuống) đã từ chối không nhận tước phong, vàng bạc mà chỉ xin vua Lý Thánh Tông cho phép được chuyển dân làng mình và mấy làng lân cận sang phía tây Kinh thành Thăng Long khẩn hoang lập ấp, lập nên 13 trại trong đó có trại Cống Vị... Đình nằm ở ngõ 518 phố Đội Cấn. Đi từ ngõ vào khoảng 70m, ta gặp một cảnh quan thật đẹp: bên phải là hồ bán nguyệt có tường xây bao ôm lấy mặt nước trong xanh; bên phải là cổng tam quan với cây si gốc rễ vươn dài, cành lá xum xuê mang dáng cổ kính. Các cụ cao niên ở đây nói rằng cây si gắn liền với đình cũng tới gần 300 tuổi. Đình có diện tích khoảng 500m.
Chính giữa gian Đại bái là bức hoành phi sơn son thếp vàng “Đại Vương tôn thần”, phía dưới là bức đại tự “Thượng đẳng tối linh” thếp vàng trên nền đỏ.
Đại đình ba gian kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, cá cốn gian, cốn nách được chạm nổi vận lá cách điệuxen với rồng phượng hoa lá. Đại bái nối liền với hậu cung bằng hai gian nhà dọc kiểu kiến trúc hình chữ “đinh”.
Ở vị trí cao và sâu nhất trong hậu cung là bệ thờ đặt tượng Hoàng Phúc Trung cao 1,3m, đội mũ cánh chuồn áo long bào có bố tử, một tay cầm bút, hai bên là Tả, Hữu quan. Ngoài ra còn có còn một số tế khí bằng đồng như đỉnh, chiêng kiềng đồng. Đặc biệt tại đình đang lưu giữ hiện vật cổ nhất là chiếc chuông đồng. Trên chuông còn khắc rõ ràng dòng chữ “Hội Đại Lão các cụ làng Cống Vị cúng cho đình làng Cống Vị năm Cảnh Hưng (1740)” và các đôi câu đối... Bệ thờ ở hậu cung được xây cao, phía trên là đại tự “Thánh cung vạn tuể”. Hai bên là đôi câu đối cổ đình còn giữ được, ca ngợi sự nghiệp của Thành hoàng:
Đoạt giao dũng quán quần luân Lý triều thiên vạn hiền như hậu
Được mã ân lưu quyết ấp long thành thập tam trại lưu truyền
Tạm dịch:
Chém giao long quả cảm hơn người, triều Lý về sau muôn ngàn đời còn dậy tiếng
Phi tuấn mã ân tình lập ấp, thành rồng mé tây mười ba
Và đôi câu đối khác:
Tối tú, tối linh, thánh đức nguy nguy phù Quốc thái.
Nãi vãn, nãi võ thần công đãi đãi dân khang.
Tạm dịch:
Tuyệt đẹp, tuyệt thiêng, đức thánh nguy nga phù nước vững
Vừa văn vừa võ, công thần với vợi giúp dân yên.
Các vị trong Ban Quản lý di tích đình làng Cống Vị cho biết trải qua các triều đại phong kiến, đình làng Cống Vị đã được 7 đạo sắc phong, nhưng do chiến tranh và khách quan hiện bị thất lạc cả. Đình được xây năm Vĩnh Khánh thứ nhất (1729) đời Lê Duy Phường.
Trải thời gian, từ Hậu cung trở ra gần như bị hư hỏng cả. Lần trùng tu sửa chữa gần đây nhất vào năm 1992 - 1994, kinh phí do nhân dân đóng góp. Hàng năm, để tưởng nhớ công lao của vị Thành hoàng, vào ngày sinh 13 tháng giêng và ngày hoá 12 tháng giêng âm lịch, tại đình Cống Vị và các đình trong “Thập tam trại” đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm. Đặc biệt, ngày 23 tháng ba âm lịch - ngày ông Hoàng Quốc Trung đưa dân Lệ Mật sang khai hoang lập ấp tại tây Thành, dân 13 trại lại về Lệ Mật cùng dân cựu quán tổ chức lễ hội rất trang nghiêm.
Đình làng Cống Vị đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1999.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01