Đình Chu Quyến – ngôi đình cổ nhất Việt Nam
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:48, 14/12/2022
Làng Chu Quyến nằm ở ven đê sông Hồng, cách trung tâm huyện 2km, hướng nhìn xa lên đỉnh núi Ba Vì. Đình nằm ở rìa làng, hướng tây, phía sau đình có ao làm hậu chẩm, phía trước qua sân bãi nhìn xuống đình Chàng là minh đường. Sân đình vốn thấp, nhưng sau do đê vỡ bồi cao nên lại làm ngôi đình như thấp xuống. Nền đình dài rộng, chia 3 gian chính, 2 gian chái và 2 dĩ, có hiên rộng bao quanh. Mái đình xoè rộng về 4 phía, các đường bờ nóc và bờ dải được gắn đắp những con kìm và con sô, cuối bờ dải là đạo đình cuộn lại hất nhẹ lên mềm mại.
Đình Chàng từ xưa đến nay chỉ có một toà đại đình, xung quanh không có một công trình phụ trợ nào nên trông càng sừng sững, bề thế. Đình có 6 hàng cột. Từ cột quân sang cột hiên đỡ mái là chiếc kẻ hơi cong. Từ cột quân vào cột cái có chiếc xà nách và trên đó là những con rường liền mảng thành cốn, trên câu đầu nối hai cột cái ở hai vì của gian giữa là hệ thống chồng rường, còn ở vì ngoài của các gian bên lại làm giá chiêng đặt trên rường. Các câu đầu và xà nách đều liên kết với đầu cột bằng kỹ thuật chồng đè qua chiếc đấu vuông thót đáy. Các cột đình Chàng đều thuộc vào loại to nhất trong các đình cổ: “to như cột đình Chàng” “con một như cột đình Chàng” đã thành tục ngữ của cả vùng.
Về mặt điêu khắc, ngoài việc bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ ở các đầu dư, kẻ, cốn và nhất là cửa võng, các nghệ nhân dân gian đã “hoá thân” cho các khối gỗ thành các tác phẩm nghệ thuật tạo hình: hoa lá, mây trời, rồng, phượng, con thú nhưng sinh động nhất là những hoạt cảnh: làm ruộng, “mả táng hàm rồng”, tiên cưỡi hạc, tiên ngồi trong khung khám thờ, người uống rượu, người cưỡi hổ, người cưỡi ngựa, người dắt voi. Tất cả đều được đúc rút từ thực tế xã hội đương thời và các tích truyện cổ. Các đề tài trang trí nếu như ở cửa võng là các mảng chạm nông, bố cục đăng đối gò bó, đường nét sắc sảo thì ở các bộ phận kiến trúc khác chạm lộng hoặc chạm kênh đã tạo ra những lớp hình khác nhau khá linh hoạt.
Với phong cách kiến trúc và chạm khắc trang trí trên, có thể xác định đình Chàng được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII và đã được trùng tu lớn vào năm Bảo Đại thứ 10 (1935).
Căn cứ vào sắc phong, ngọc phả, hoành phi, câu đối hiện còn được lưu giữ tại di tích thì đình Chu Quyến thờ Nhã Lang Vương (còn gọi là Đức Thánh Chàng), con của vua Lý Phật Tử và bà Lã Thị Ngọc Thành, người làng Chu Chàng.
Năm 554, vua Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục lên ngôi hiệu là Triệu Việt Vương. Cháu họ của Lý Nam Đế là Lý Phật Tử đã dấy binh đòi khôi phục nhà Lý. Triệu Việt Vương có “Long trảo thần” (móng rùa vàng) nên uy hùng vô địch đánh bại Lý Phật Tử. Sau đó, Việt Vương nghĩ ơn xưa nên cho Phật Tử an nghiệp ở bãi Quân Thần (nay là khu Thượng Hạ Cát, Từ Liêm, Hà Nội). Lý Phật Tử sau mấy phen thất bại thường đi du ngoạn đây đó. Đến Chu Chàng, Lý Phật Tử đã kết duyên cùng với Lã Thị Ngọc Thành và phong làm thứ phi, đón về lị sở. Năm sau, Lã Phi sinh con trai đặt tên là Nhã Lang, thông minh khác thường. Năm Nhã Lang lên 9 tuổi, cha mẹ hỏi Cảo Nương - 13 tuổi, con của Triệu Việt Vương cho Nhã Lang. Việt Vương đồng ý cho Nhã Lang ở rể. Nhớ lời cha mẹ dặn, nhân lúc vắng Nhã Lang hỏi Cảo Nương cái cớ nhà Triệu bách thắng. Cảo Nương lấy mũ dâu mâu có “Long trảo thần” cho xem, Nhã Lang lừa khi Cảo Nương sơ ý, đánh tráo lấy “Long trảo thần”, vài bữa sau xin được về thăm phụ vương. Lý Phật Tử được “Long trảo thần” bèn xuất binh đánh Triệu, Triệu Việt Vương thua, chạy đến cửa bể Đại Nha (Nam Định) cùng Cảo Nương nhảy xuống biển. Lý Phật Tử lên ngôi hiệu là Hậu Lý Nam Đế.
Từ đấy Phật Tử càng yêu quý Nhã Lang, định lập Nhã Lang làm Đông Cung Thái tử. Hoàng hậu thấy vậy ghen ghét định mưu sát mẹ con Nhã Lang. Lã Phi biết tin tâu vua xin cùng Nhã Lang về quê lánh nạn. Vua chuẩn tấu. Về Chu Chàng, Nhã Lang xây dựng cung điện và thường đi du ngoạn khắp nơi. Một hôm, bắt được con cá to, mổ ra, Nhã Lang thấy trong bụng cá có lưỡi dao khắc chữ “thần đạo”. Tiếng đồn lan xa, hơn 40 làng ở đạo Sơn Tây đều quy phục. Vua nghe tin triệu ông về cung ban chức Đông Cung. Năm 601 nhà Tuỳ sang xâm lược nước ta, ông chiêu mộ hơn 3 vạn người, đem quân phá tan giặc ở Long Biên. Sau khi Nhã Lang vương qua đời, để tưởng nhớ công lao của ông đã có công dẹp giặc, giữ gìn sự bình yên cho đất nước, nhiều làng ở quanh bờ sông Hồng i tôn thờ ông là Thành hoàng làng. Tại đây, hàng năm thường tổ chức lễ hội vào ngày rằm tháng giêng. Trong ngày hội, ngoài việc tế lễ, còn có các trò vui như: đánh vật, bơi thuyền, đánh cá, ca hát, thu hút rất nhiều du khách thập phương.
Đình Chu Quyến hiện nay còn lưu giữ 13 đạo sắc phong thời vua Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn và rất nhiều di vật có giá trị khác. Đình Chu Quyến đã qua nhiều lần tu bổ. Năm 2007, Nhà nước đầu tư lớn để trùng tu và hoàn thành vào năm 2009.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01