Vươn tới tính chuyên nghiệp, giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật

Sân khấu - Ngày đăng : 08:02, 13/12/2022

Xu hướng hoạt động sáng tạo nghệ thuật sân khấu theo cơ chế tự chủ hiện nay” là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây. Từ thực trạng của sân khấu trong cơ chế tự chủ, các ý kiến, tham luận tại hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp với kỳ vọng sân khấu sẽ dần vươn tới tính chuyên nghiệp, giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật.
san-khau-le-ngoc-3.jpg
Sân khấu Lệ Ngọc - điểm sáng của sân khấu xã hội hóa phía Bắc

Tự chủ - xu thế tất yếu
Cơ chế tự chủ là sự dịch chuyển từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, hiện đang được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của chặng đường hơn 30 năm đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, khi chúng ta bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Tự chủ góp phần xóa bỏ lực cản của tư duy bao cấp, giải phóng sức sáng tạo, từng bước giúp các đơn vị làm nghệ thuật thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường đang là xu hướng tất yếu của phát triển.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nghệ thuật sân khấu Việt đang trong thời kỳ “quá độ” từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ. Qua diễn biến của thời kỳ quá độ này, có thể nhận ra xu hướng của sân khấu Việt tương lai gần là tự chủ theo quy luật: sản xuất - tiêu thụ - lợi nhuận. Xu hướng này mang theo thông điệp: “sân khấu bao cấp” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và “sân khấu tự chủ” đã thay thế với những nguyên lý thẩm mỹ, nguyên lý sáng tạo, nguyên lý vận hành... hoàn toàn mới để tạo ra mỗi đơn vị sân khấu là một đơn vị kinh doanh và mỗi nghệ sĩ là một nhà doanh nhân của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Thực tế cho thấy, với một số đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, nghệ thuật đương đại hay xiếc, việc tự chủ đã tạo ra động lực để mỗi đơn vị tự nâng mình lên, phong phú các hoạt động nghệ thuật, kêu gọi đầu tư, liên kết, tạo ra những mô hình ưu tú, kích thích sáng tạo của các nghệ sĩ, không còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách.
Nguy cơ mất bản sắc

Nhìn vào thực tế của các đoàn nghệ thuật truyền thống hiện nay, NSND Thanh Trầm đã chỉ ra những khó khăn, thách thức khi thực hiện cơ chế tự chủ trong đó, mất bản sắc là một nguy cơ lớn, đòi hỏi một chính sách mềm dẻo, đặc thù cho loại hình này. “Bước chân vào tự chủ, đơn vị phải tự lo 100% chi phí. Vấn đề làm sao để có thể tồn tại, là một gánh nặng quá lớn không dễ gì giải được. Thực tế, để có doanh thu từ việc bán vé, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống đang phải cực chẳng đã rời bỏ “lãnh địa” quen thuộc của mình, là không làm những vở nghiêm túc như trước nữa. Họ phải chạy theo thị hiếu khán giả, chiều chuộng những nhu cầu nhất thời của người xem để xây dựng kịch mục, chỉ như vậy mới bán được vé, có doanh thu.” - NSND Thanh Trầm cho hay.

san-khau-le-ngoc-2(1).jpg

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, trong số hàng chục đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao quyền tự chủ của ngành văn hóa, chỉ vài cái tên được nhắc đến là mang lại hiệu quả, như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long... Đây cũng là các đơn vị được giao tự chủ về tài chính ở mức độ tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên từ năm 2012.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đơn vị vẫn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi để thích nghi với cơ chế mới. Từng hoạt động nhờ được bao cấp hoàn toàn, nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống, vốn đã gặp khó khăn về khán giả, nguồn thu từ biểu diễn, có nguy cơ không trụ nổi trong cơ chế mới. Một số nhà hát có những đêm diễn chỉ bán được vài vé nhưng buổi biểu diễn vẫn phải diễn ra bình thường, đồng nghĩa với mọi chi phí cho vở diễn vẫn phải lo. Khó khăn không chỉ ở các đơn vị chưa sẵn sàng điều kiện để bước sang tự chủ, mà nhiều đơn vị đã tự chủ 100% cũng còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do tình trạng tự chủ nửa vời.
Cần vươn tới tính chuyên nghiệp, giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật

Theo TS. Trần Thị Minh Thu, nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện nay có 5 xu hướng hoạt động sáng tạo chủ yếu: xu hướng phục vụ chính trị, xu hướng dàn dựng các vở diễn phục vụ lễ hội, xu hướng đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, xu hướng đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế, xu hướng bị nghiệp dư hóa và thu hẹp phạm vi hoạt động. 5 xu hướng này mới chỉ là những việc làm, những cách thức sáng tạo của nghệ sĩ mang tính đối phó, tính thời sự trước mắt nhằm thích ứng với yêu cầu chính trị xã hội và yêu cầu thẩm mỹ của khán giả chứ chưa tạo thành những đặc trưng, nguyên lý, truyền thống.

Để thực hiện được nhiệm vụ chính trị trên, theo TS Trần Thị Minh Thu, sân khấu Việt Nam cần phải có sự chuyển đổi về xu hướng hoạt động sáng tạo cho phù hợp. Và để sự chuyển đổi thành công, không chỉ đòi hỏi các nghệ sĩ phải tự đổi mới tư duy, năng cao năng lực sáng tạo; mà còn cần có sự “bắt tay” của đội ngũ quản lý các bộ, ban, ngành cùng với Hội Sân khấu Trung ương và địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, kế hoạch mang tính chiến lược, tính thực tiễn để hỗ trợ các nghệ sĩ nâng cao vị thế và phát huy mọi hoạt động sáng tạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo NSND Thanh Trầm, nghệ thuật là loại hình văn hóa đặc biệt, vì vậy lộ trình tự chủ đối với các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống cần được tiến hành hết sức thận trọng. Để thành công, mỗi đơn vị cần xác định được thế mạnh và điểm yếu của chính mình, từ đó đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được, thay đổi tâm lý, nhận thức của các nghệ sĩ trong đơn vị để mỗi cá nhân nỗ lực nâng cao chất lượng biểu diễn theo hướng tiếp cận gần hơn với thị trường. Đó chính là giải pháp để các đơn vị nghệ thuật vẫn “sống” được và tiếp tục phát triển.

Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống kén khán giả, theo NSND Thanh Trầm, cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng lộ trình, cơ chế đặc thù và dành thời gian hợp lý để các đơn vị có được sự chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trước khi tự chủ hoàn toàn. Bởi bước ra tự chủ thì phải có tác phẩm - hàng hóa “đặc biệt”, nếu không, nhiều loại hình có thể rơi vào tình trạng mất bản sắc.

So sánh hai mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập với các đơn vị ngoài công lập, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng mô hình ngoài công lập đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải năng động, phải dám chịu đầu tư, dám chịu thua lỗ. “Bước vào cơ chế thị trường là phải cạnh tranh, phải đầu tư cho quảng cáo, phải biết giá trị của văn học nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế của văn hóa. Nhưng tác phẩm nghệ thuật cũng là một hàng hóa đặc biệt để phục vụ nhân dân hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Với sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường, hơn lúc nào hết, các tác phẩm nghệ thuật càng phải vươn tới tính chuyên nghiệp, tới giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao” - NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Thụy Phương