Nâng cao vị thế, vai trò của văn nghệ sĩ vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới
Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 15:47, 12/12/2022
Văn học, nghệ thuật đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật cũng luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là việc cụ thể hóa các quan điểm, đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 35 năm đổi mới, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay”.
Trong quá trình phát triển đó, mặc dù có những bước thăng trầm, song thời kỳ nào cũng xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, những đóng góp trí tuệ, sức lực có ý nghĩa to lớn của các văn nghệ sĩ, trí thức, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà, bồi đắp và khơi dậy lòng tự tôn của dân tộc, kết hợp với thời đại để đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thành tựu có được đó là văn học, nghệ thuật nước nhà đã bám sát đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, có chất lượng các nhiệm vụ được giao. Bằng tâm huyết, trách nhiệm, lao động nghệ thuật không mệt mỏi, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đã xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất để phát huy những giá trị cốt lõi của mình và khắc phục những khó khăn, vượt qua những hạn chế.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, những thành tựu của nền văn học, nghệ thuật đã đạt được chưa tương xứng; vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Mặc dù có chất liệu phong phú, điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật sáng tạo, phát triển; nền văn học, nghệ thuật Việt Nam còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, xứng tầm với sự nỗ lực, cố gắng, thành quả đạt được của đất nước ta, tương xứng với sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế, xứng tầm với tình cảm, sự tôn trọng của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc - giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Nhận diện một số quan điểm, hiện tượng sai trái của văn nghệ sĩ làm ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc
Bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học, nghệ thuật những năm qua cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động trái chiều của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng văn học, nghệ thuật để xuyên tạc, chống phá, đả kích về Đảng và chế độ. Đây được xem là một trong những nguy cơ lớn cần được nhận diện và xử lý để làm lành mạnh, trong sạch đời sống văn hóa, văn nghệ ở nước ta hiện nay.
Trong lịch sử văn hóa, văn nghệ nước nhà, từng có những văn nghệ sĩ có quan điểm, lập trường, nhận thức phiến diện, cực đoan, sai lầm, lệch lạc... tác động xấu đến đời sống chính trị - xã hội. Do thiếu bản lĩnh chính trị, không được rèn giũa, trải nghiệm thực tiễn, bị những thế lực phản động dụ dỗ, mua chuộc, một số văn nghệ sĩ, trí thức đã hiểu sai về bản chất của cách mạng, về đường lối, chủ trương của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Họ lợi dụng “tự do dân chủ”, “tự do ngôn luận”, nấp sau những hình tượng ẩn dụ của văn học, nghệ thuật để xây dựng hình tượng nhân vật mang màu sắc chống đối, đả kích và hoài nghi các anh hùng dân tộc và thành tựu cách mạng, gieo rắc những tư tưởng bi quan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ít hiện tượng văn học, nghệ thuật tiêu cực nảy sinh, chạy theo một số chiều hướng, như phủ nhận thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kích động sự thù hằn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gieo rắc tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đi sâu khai thác những câu chuyện đời tư của các anh hùng dân tộc, các đồng chí lãnh đạo theo hướng thêu dệt, thổi phồng, bóp méo. Hầu hết các tác phẩm này được in ấn, xuất bản ở nước ngoài. Bằng những chiêu thức quảng bá mang tính giật gân, câu khách, những tác phẩm này đã kích thích sự tò mò, chú ý của nhiều bạn đọc, tạo những nhận thức sai lệch về cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Không chỉ trong phạm vi văn chương mà trong các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, một số ca sĩ, nghệ sĩ cũng bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, bị giật dây bởi các thế lực thù địch trong và ngoài nước, từ đó viết những ca khúc đi ngược lại giá trị Chân - Thiện - Mỹ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội phát triển như hiện nay, trên không gian mạng xuất hiện không ít sản phẩm mang tính đồi trụy, phản động.
Phương thức, thủ đoạn dùng văn học, nghệ thuật để cổ súy cho những tư tưởng phản động, sai trái không chỉ diễn ra ở trong nước mà bằng sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, truyền thông đa phương tiện ở nước ngoài, các thế lực thù địch đã mở nhiều chuyên trang về văn học, nghệ thuật gieo rắc những tư tưởng, quan điểm lầm lạc, gây những hệ lụy xấu trong nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng không ít văn nghệ sĩ tận dụng những lợi thế của những trang mạng cá nhân, các blog, tài khoản zalo, trang mạng xã hội facebook để bình luận những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước bằng ngôn ngữ của văn chương, nghệ thuật với cái nhìn một chiều, cực đoan đã gây hiểu lầm nhất định cho công chúng, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội. Một số văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã đăng tải những trạng thái, những bài thơ, đoạn trích văn xuôi, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân trước một số vụ việc trong nước theo hướng phê phán, lên án chính quyền, tạo cớ để các thế lực thù địch có dịp chống phá.
Một số giải pháp nâng cao vị thế, vai trò của văn nghệ sĩ vì sự nghiệp
đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới
Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công tác lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn học - nghệ thuật phải luôn kiên định với lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về văn học - nghệ thuật.
Việc quán triệt tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ các cấp cần được triển khai một cách nhất quán, theo các nội dung, chủ đề, chủ điểm phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành, với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Tránh làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, hình thức, qua loa, chiếu lệ, bởi nếu đội ngũ văn nghệ sĩ hiểu sai, hiểu chưa thấu đáo quan điểm thì rất dễ lầm lạc trong hành động, trong cách viết, dễ có những phản ứng nhất thời, thái quá. Tạo mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và hướng ngòi bút của văn nghệ sĩ vào phục vụ lợi ích nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt quy luật khách quan, khoa học trên cơ sở mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa văn học, nghệ thuật với đời sống chính trị - xã hội. Văn học, nghệ thuật phải bám sát thực tiễn, hướng về Đảng, về nhân dân, đất nước, phụng sự sự nghiệp đổi mới, kiến thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội; ngợi ca con người, bảo vệ chân lý và những giá trị tốt đẹp; phê phán, lên án cái ác, cái bất công; hướng con người vươn tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Khi xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách phải coi trọng tổng kết thực tiễn; lắng nghe, tôn trọng ý kiến, quan điểm và cá tính sáng tạo, phong cách cá nhân của đội ngũ văn nghệ sĩ. Khuyến khích những ý tưởng mới, những cách làm hay, sáng tạo, đẩy lùi những tư tưởng cực đoan, phiến diện, sai lầm, ngăn chặn những hiện tượng, quan điểm sai trái, thù địch len lỏi vào đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Các cấp chính quyền cần chủ động xây dựng, ban hành những chính sách, quy định phù hợp đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nói chung và các loại hình văn học, nghệ thuật. Nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của văn nghệ sĩ. Kiểm soát tốt các khâu công bố, xuất bản, phát hành, công chiếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật; thẩm định chặt chẽ nội dung thông qua hội đồng chuyên ngành để sàng lọc, loại bỏ những sản phẩm phản giá trị gây tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đề cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của những người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ thuật trên cả nước trong việc tập hợp đội ngũ; trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị, định hướng sáng tác. Người đứng đầu các cấp hội văn học, nghệ thuật, ngoài năng lực quản lý còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đời sống văn học, nghệ thuật, hiểu tâm lý văn nghệ sĩ, có uy tín, bản lĩnh nghề nghiệp, có đạo đức, tư cách đúng mực, trong sáng, tạo được niềm tin đối với hội viên và nhân dân. Tăng cường kết nối, phối hợp giữa các cấp hội từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh) và giữa các hội chuyên ngành của các địa phương; trao đổi thông tin giữa các vùng, miền, nhất là những nơi thường có các vụ, việc nhạy cảm, phức tạp, vùng biên giới... để kịp thời nhận diện âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch và quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, qua tổ chức và hoạt động của mình, xác định đây là nhiệm vụ chính trị - xã hội - nghề nghiệp xuyên suốt hiện nay và dài hạn. Khối Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là truyền thống vẻ vang, mà còn là mục tiêu và động lực phát triển của đất nước. Chúng tôi coi đó là kim chỉ nam trong tư tưởng và hành động để phát huy hơn nữa vai trò của văn nghệ sĩ Thủ đô vào sự nghiệp củng cố khối đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, với nền tảng tinh thần phong phú, nhân văn, con người phát triển toàn diện, hiền hòa, bình đẳng, dân chủ, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/03/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã đề ra