Tọa đàm “Thiết kế nội thất căn hộ chung cư cao tầng trong kỷ nguyên 4.0”
Kiến trúc - Quy hoạch - Ngày đăng : 18:30, 10/12/2022
Đến dự buổi tọa đàm có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; đại diện các hội chuyên ngành, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế nội thất cùng đông đảo hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS, KTS Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định hiện nay thiết kế nội thất đã trở thành một lĩnh vực thiết yếu, quan trọng và gắn bó trực tiếp với đời sống. Xu hướng thiết kế nội thất cũng được đô thị trên thế giới quan tâm.
“Chúng tôi chọn chủ để này cho cuộc tọa đàm vì hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, phương thức hoạt động thiết kế nội thất cho nhà chung cư đã khác nhiều so với trước đây. Ngôi nhà không chỉ đơn thuần là một nơi để trở về, là không gian sống ấm cúng, chan hòa mà còn phải thể hiện được đẳng cấp, hiện đại và thông minh” – TS, KTS Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Với phần trình bày của các diễn giả là kiến trúc sư, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp... tọa đàm đã đề cập tới nhiều vấn đề trong lĩnh vực thiết kế nội thất như: Tổ chức không gian nội thất căn hộ chung cư cao tầng tại Hà Nội, thiết kế nội thất hướng tới con người, thiết kế ánh sáng căn hộ chung cư, xu hướng vật liệu nội thất 2023 – 2024, không gian bếp 4.0, ứng dụng phong thủy trong thiết kế nội thất...
Là người đã gắn bó nhiều năm trong ngành thiết kế nội thất, PGS. TS, KTS Vũ Hồng Cương - Trưởng khoa Nội thất, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi trong tổ chức không gian căn hộ chung cư cao tầng, mô hình căn hộ linh hoạt cũng như việc tổ chức mặt bằng điển hình của chung cư cao tầng. Theo PGS.TS, KTS Vũ Hồng Cương, nội thất giữ vai trò trung tâm, là cơ hội thể hiện bản sắc; cá tính của không gian ở phản chiếu sự quan tâm đầu tư thiết kế nội thất chủ nhà, tuy nhiên những cá tính sai lệch đã dẫn tới nguy cơ mất bản sắc trong không gian nội thất. “Càng nhiều công trình có cá tính riêng ta càng có cơ hội chắt lọc hình thành bản sắc để tạo nên một phong cách Việt thứ vẫn đang vắng bóng hoặc rất mờ nhạt trong kiến trúc, nội thất nhà ở Việt Nam hiện nay” – KTS Vũ Hồng Cương cho hay.
Bàn về vấn đề “Nội thất vì con người”, KTS Trần Huy Ánh nhắc tới câu chuyện về cụ Trịnh Hữu Ngọc (1912 -1997) – người dành cả đời cho trang trí nội thất, thiết kế và sản xuất đồ gỗ với tâm nguyện “Thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống – nếp sống mới của người tử tế”. Với mong muốn không gian sống công bằng cho mọi người trong thiết kế kiến trúc và nội thất, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng các kiến trúc sư cần phục vụ nhu cầu của thị trường để phát triển chuyên môn nhưng cũng không thể quên trách nhiệm xã hội nghề nghiệp của mình đó là tạo nên nơi chốn công bằng cho tất cả mọi người... Thiết kế nội thất hiện đại và xu hướng nơi chốn bền vững rất cần những sáng tạo đậm chất Việt Nam.
Để phục vụ nhu cầu của người dân được sống trong căn nhà thông minh, các chủ đầu tư bất động sản, công ty kiến trúc – thiết kế, doanh nghiệp sản xuất thiết bị nội thất đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng gắn với căn hộ thông minh, từ chung cư cho đến vật liệu nội – ngoại thất. Đại diện Công ty CP Tập đoàn Minh Long, ông Nguyễn Minh Cương – Tổng Giám đốc Công ty đã giới thiệu tới tọa đàm những dòng sản phẩm đặc trưng của Minh Long với những chia sẻ gửi gắm thông điệp: “Vật liệu chính là chiếc cầu nối để các kiến trúc sư thể hiện sức sáng tạo vô bờ bến, tính duy cảm và tự do trong tâm hồn mình. Vật liệu cũng chính là phương tiện để mỗi gia chủ sống là chính mình và bộc lộ cái tôi cá tính”.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải cho hay, sau cuộc tọa đàm này thời gian tới Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức thêm các buổi tọa đàm chuyên đề về kiến trúc như: thiết kế văn phòng, nhà chung cư, cảnh quan... nhằm góp thêm những tiếng nói của giới nghề trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch...