Văn học, nghệ thuật với việc nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng
Hoạt động hội - Ngày đăng : 16:41, 09/12/2022
Đề cập đến vai trò của văn học nghệ thuật trong việc nâng cao trình độ năng lực thẩm mỹ của công chúng, PGS. Nguyễn Ngọc Thiện (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho rằng văn học nghệ thuật không chỉ hướng tới lý trí mà cả tới tình cảm của con người, thâm nhập vào thế giới bên trong của con người mà các hình thái xã hội khác không vươn tới được. Văn học nghệ thuật tiếp thêm cho con người tình yêu đối với cái đẹp cũng tức là tình yêu cuộc sống, sự sáng tạo thăng hoa, cuộc đấu tranh hiến mình cho những lý tưởng thánh thiện cao cả.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng rời xa chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí bị biến dạng, chạy theo thị hiếu tầm thường. Điều đáng lo ngại là các tác phẩm này lại được quảng bá, tiếp thị với mục đích thu lợi nhuận của các nhà sản xuất, phát hành. Các tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ lại ít được công chúng quan tâm, thậm chí nhiều tác phẩm hay không đến được với công chúng vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt nhiệm vụ định hướng thị hiếu công chúng.
Họa sĩ Khánh Châm (Hội Mỹ thuật Hà Nội) trăn trở: “Chỉ riêng trong lĩnh vực mỹ thuật, số lượng các họa sĩ, nhà điêu khắc… ngày một đông đảo, số lượng tác phẩm trưng bày triển lãm rất sôi động nhưng công chúng ít được thưởng thức những tác phẩm có tầm vóc lịch sử, đề cập đến chủ đề lớn của thời đại như các tác phẩm của các danh họa tiền bối…”
Từ thực tế này, các ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục… của văn học nghệ thuật. Theo đó, các cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật, các địa phương cần tiếp tục cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các tác giả, nhà sản xuất quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với công chúng; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ quản lý để đủ tầm định hướng, hỗ trợ hoạt động sáng tác; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếp nhận thẩm mỹ của công chúng.
Theo PGS, NSND Ứng Duy Thịnh (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội), nâng cao chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ chính là nâng cao chất lượng của tác phẩm. Tác phẩm chính là thông điệp của tác giả,
Nhà báo Thúy Hiền (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng “bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước thì dư luận xã hội cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhận diện một cách đầy đủ hơn về những chuẩn mực đạo đức cần có. Sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng cũng sẽ là những “barie” để nghệ sĩ tự soi mình, để cẩn trọng hơn không chỉ trong việc phát ngôn, ứng xử mà còn khi tham gia các hoạt động nghề nghiệp, xã hội… Công chúng đưa nghệ sĩ đến vinh quang thì cũng có thể hạ xuống không thương tiếc, nếu nghệ sĩ đó đi ngược lại với giá trị Chân - Thiện - Mỹ mà sứ mệnh của họ phải đem lại cho xã hội, cho cộng đồng. Người nghệ sĩ phải lĩnh hội và nhận thức một cách sâu sắc về nhiệm vụ của mình là mang tới những sản phẩm văn hóa đích thực, chất lượng”.
“Những tác phẩm hấp dẫn, có tâm có tầm sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực cho đời sống xã hội. Vì thế, giới văn nghệ sĩ cần lao động sáng tạo nghiêm túc; tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, phải luôn bám sát, đi vào thực tế cuộc sống, hòa nhịp với những suy nghĩ, nguyện vọng của người dân, nhận rõ giá trị đích thực cần sáng tác, cổ vũ phát huy... Chỉ như vậy, văn học, nghệ thuật của nước ta mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng”, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh.