Hà Nội ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công và thân nhân người có công

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 11:32, 09/12/2022

Chiều 8/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa XVI, đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công của Thành phố Hà Nội…
z3943926900353_5b170de4a034d18ae2e4f5b0668b1851.jpg
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trình bày Tờ trình tại kỳ họp.

Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm của Đại diện các Ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7; ngày Quốc khánh 2/9; ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với trên 800.000 người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và một số đối tượng hưởng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, có gần 82.000 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách.

Tuy nhiên, hiện nay, đa số người có công với cách mạng tuổi cao, sức khỏe yếu, trên 90% người có công là người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính và bệnh hiểm nghèo do thương tật, bệnh tật cần được chăm sóc, giúp đỡ thường xuyên. Theo thực tế, giải quyết chính sách ưu đãi người có công, số lượng người có công và thân nhân hưởng trợ cấp hàng tháng giảm do chết, tăng đều theo năm. Trung bình, mỗi năm giảm hàng nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Chỉ tính riêng trong năm 2020, giảm dần 2.000 người; Năm 2021, giảm gần 3000 người.

Theo Nghị quyết, đối với chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc đối tượng điều dưỡng hai năm một lần, trong năm không thực hiện điều dưỡng theo chính sách Trung ương (mở rộng đối tượng, không quy định độ tuổi đối tượng thụ hưởng quy định tại Phụ lục 5 Nghị quyết 11/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND Thành phố), áp dụng đối với đối tượng: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và thân nhân liệt sỹ sống cô đơn, không nơi nương tựa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nuôi dưỡng tại các Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của Thành phố; Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất lượng bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng nuôi dưỡng tại Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân da cam/dioxin Thành phố.

Mức chi: Tiền ăn: 3.000.000 đồng/người/tháng; Chi khác phục vụ nuôi dưỡng (điện, nước, vệ sinh, quần áo, thuốc chữa bệnh thông thường…): 500.000 đồng/người/tháng.

Chính sách đặc thù mới gồm 2 chính sách: Thứ nhất, hỗ trợ tiền khám sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng khi thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Mức chi hỗ trợ (bằng tiền mặt): 1.000.000 đồng/người/năm. Thứ hai, hỗ trợ tiền mai táng phí khi người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng từ trần (ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội).

Mức chi hỗ trợ mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại thời điểm người có công và thân nhân người có công từ trần (không áp dụng đối với người có công với cách mạng được hỗ trợ theo Phụ lục 01, Nghị quyết số 20/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố; Khi chính sách mai táng của Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi thì chính sách đặc thù của Thành phố được áp dụng tương ứng).

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 114 tỷ đồng/năm (tăng so với năm 2022 khoảng 99,7 tỷ đồng), từ nguồn ngân sách Thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Về mức hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm của Đại diện các Ban liên lạc tù chính trị thành phố Hà Nội và nội dung, mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán; kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7; ngày Quốc khánh 2/9; ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu. Trong đó, hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban Đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội: mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/năm; Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Ban liên lạc tù chính trị Hà Nội, mức hỗ trợ: 500.000 đồng/hội viên/năm; Hỗ trợ kinh phí hoạt động của các Ban liên lạc tù chính trị tổ chức kỷ niệm vào các năm chẵn và năm tròn: Mức hỗ trợ mức 500.000 đồng/hội viên (ngoài mức hỗ trợ hàng năm cho hoạt động của các hội viên Ban liên lạc tù chính trị). Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã theo phân cấp.

Với 100% đại biểu có mặt tại hội trường đồng ý tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua hai Nghị quyết.

Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội