Quán Giá
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:44, 08/12/2022
Quán kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Sát Nghi môn có cổng phụ hai bên và từ đây nối ra là bức tường bao, trên gắn 43 mảng chạm cổ bằng đất nung rất độc đáo, chạm nổi và trang trí các đề tài dân gian, mỗi mảng có kích thước cao 25cm nếu là mảng chạm hoa có hình vuông hoặc 28cm nếu là mảng chạm hình chữ nhật, có mảng hình rồng được chắp từ 3 mảng nhỏ dài 106cm. Những mảng chạm này, ngoài các hình rồng, lân, voi, ngựa, hươu... còn có một số hoạt cảnh như các cô gái tắm hồ sen, người đi săn, cày bừa, người cưỡi báo, đánh cờ... Có một số người được ghi tên như Vương Sinh, Lão Tiên và một số câu chúc. Dãy tả, hữu mạc đăng đối nhìn vào nhau dài tới 12 gian. Kiến trúc này có kết cấu theo kiểu hồi bít đốc, các bộ vì chia gian theo kiểu “kèo kẻ quá giang”, tiếp xuống là “tiền kẻ hậu bẩy” có mở rộng về phía trước. Nghệ thuật trang trí ít được thể hiện trên các bộ vì này, nó thiên về bào trơn đóng bén, chỉ có bộ vì hồi làm theo kiểu “ván mê” gần nóc chạm rồng với một vài đạo mác. Ở đây còn có các đầu dư chạm rồng với kỹ thuật chạm lộng, bong kênh để trang trí. Các cốn chồng rường ở hai bên vì kèo có chạm rồng ẩn trong đạo mác song hành gây ấn tượng.
Toàn bộ khu quán thờ chính đã bị phá huỷ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Song trên nền cũ, nhân dân địa phương đã dựng lại Tiền tế, Đại bái và Hậu cung với quy mô thu nhỏ và đơn giản nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa tâm linh. Toà Hậu cung vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn với những ô trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh. Cạnh Hậu cung còn có nhà bia và nhà tuần canh. Phía hồi trái có nhà để ngựa và nhà bếp phục vụ cho các sinh hoạt lễ hội.
Quán Giá còn lưu giữ được 3 pho tượng thờ đức Thành hoàng Lý Phục Man ở giữa, hai bên là hai pho Phương Dung và Á Nương đặt trên ngai thờ chạm trổ tỉ mỉ cùng 4 pho tượng đứng là các thị nữ và hộ sĩ. Các bức tượng này được chạm trong tư thế trang nghiêm. Ngoài các pho tượng nêu trên, tại quán Giá còn lưu giữ hương án, kiệu gỗ, ngựa có niên đại khoảng thế kỷ XIX, 5 tấm bia đá dựng năm 1620, 1671, 1681, 1728 và 1803. Những tấm bia này giúp người đọc biết về thân thế của vị Thành hoàng làng. Bia ghi rằng: Lý Phục Man sống ở thế kỷ VI là một vị tướng tài ba phò giúp Lý Nam Đế đánh giặc Lương và thu phục Lâm Ấp nên đã được vua gả công chúa và ban quốc tính. Cũng theo những văn bia này, thời Lý đã dựng đền tạc tượng Lý Phục Man, thời Trần cho mở rộng ngôi quán và gia phong mỹ tự, thời Lê Trung hưng ban sắc xây Nghi môn, thời Nguyễn làm máng đồng và hoành phi, câu đối ca ngợi sự linh thiêng của vị Thành hoàng.
Hội Giá hàng năm được mở từ ngày 10 đến ngày 16 tháng ba âm lịch. Đây là một lễ hội lớn nhất trong vùng.
Quán đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01