Đền Lư Giang

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 13:42, 08/12/2022

Đền Lư Giang (Lư Giang tự) còn được gọi là đền Lừ, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, trước đây thuộc quận Hai Bà Trưng, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đây nguyên là vùng đất Kẻ Mơ (hay Cổ Mai) nổi tiếng về sự trù phú của nền nông nghiệp Thăng Long và tên tuổi tướng quân Tam Trinh trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán đầu thế kỷ I.

Đây cũng là nơi Trần Khát Chân cùng hai tuỳ tướng Phạm Tổ Thu và Phạm Ngưu Tất giúp nhà Trần lập nhiều chiến công (thế kỷ XIV), được vua Trần cho lập thái ấp. Sang thời Lê, sau khi các vị qua đời, nhân dân địa phương đã lập đền thờ. Sau này, đền được kết hợp thờ Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). nhà
Đền Lư Giang ngày nay có quy mô kiến trúc khá lớn với nhiều nếp kế tiếp nhau, được bao quanh bằng một vòng đai cây xanh bóng mát, cạnh dòng sông Kim Ngưu.
Kiến trúc chính của ngôi đền gồm 4 toà chính, phía trước có hồ sen hình bán nguyệt và một sân lát gạch vuông khá rộng. Toà Tiền tế gồm 3 gian 2 chái, làm theo kiểu 2 tầng 8 mái với các góc đao cong, bờ nóc có đôi rồng chầu mặt trời. Sau toà Tiền tế là một lớp nhà ngang, gồm 3 gian 2 chái với các bộ vì kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, tường hồi bít đốc, có bức cửa võng ở gian giữa được chạm thủng với đề tài “cửu long tranh châu”. Toà nhà thứ hai gồm 5 gian, lòng hẹp, 3 gian giữa được chạm thủng với đề tài “cửu long tranh châu”. Toà nhà thứ ba gồm 5 gian, lòng hẹp, 3 gian giữa được tôn cao, gian giữa xây bệ đặt ngai thờ và đồ tự khí. Kiến trúc trong cùng là nhà Đại bái 3 gian xây gạch, tường hồi bít đốc, các bộ vì làm kiểu cốn mê trốn cột với các quá giang to và dầy, chạm hoa văn, tổng lá, vân mây. Hậu cung đặt một bàn thờ lớn ở chính giữa thờ Tam Toà thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thuỷ) với các pho tượng đặt trong khám, sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ, đặt trên các bệ cao 1,2m.
Các di vật của đền Lư Giang hầu hết có niên đại muộn (thời thế kỷ XIX) so với mốc khởi dựng ngôi đền (thế kỷ XV) nhưng khá phong phú và có giá trị nghệ thuật cao. Đền Lư Giang còn bảo lưu được nhiều di vật quý, như 8 khám thờ bằng gỗ chạm rồng chầu, tứ linh, tứ quý, 3 long ngại bài vị chạm rồng, các pho tượng tròn trong điện thờ Mẫu, các hương án chạm rồng chầu, chim phượng, 2 chuông đồng, 7 hoành phi, 4 câu đối. Đặc biệt có 4 bia đá, trong đó tấm bia thời Lê dựng năm 1645, cao 1,7m rộng 1,05m, dầy 0,26m có tên “Dịch Lư kiều bi ký” (bia ghi về cầu Trạm Lư) được chạm hoa dây, lưỡng long chầu nguyệt.
Hội đền Lừ được tổ chức trọng thể vào dịp hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương) từ ngày 19 tháng tám đến 29 tháng tám âm lịch. Ngày 19 là chính hội. Hội đền Lừ trước đây tổ chức rất lớn. Ngày nay, lễ hội đền Lừ đã đơn giản hơn nhiều, nhưng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa văn hoá, tâm linh và giải trí, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân cả một vùng phía nam Thủ đô.
Đền Lư Giang đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1994.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (T/h)