Đình, nghè Mai Động

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:00, 07/12/2022

Đình Mai Động được khởi dựng từ lâu đời. Trước kia đình thuộc trại Mai Động, huyện Thanh Đàm, sau là làng Mai Động, huyện Thanh Trì, nay làng phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Đình Mai Động thờ tướng Tam Trinh, quê ở Thanh Hoá, một ông thầy dạy văn và võ ở bên bờ sông Kim Ngưu (Mai Động). Năm 40, ông hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đem 300 tráng binh đi theo đuổi giặc cứu nước, được vua Bà phong làm Đô Uý. Sau ông hy sinh trong cuộc chiến chống Mã Viện. Dâng làng Mai Động nhớ ơn, lập đền thờ làm Thành hoàng và tôn vinh ông là cụ tổ vật.

93741226.jpg

Theo bia ký “Cúng thần hậu” (năm 1701) thì “Nguồn gốc xa xưa, xã nhà đã có đình cổ tích, lâu ngày đổ nát, nay có Hằng quận chúa trong vương phủ đem tiền của xây dựng cho làng một dải hoa đình... Hằng quận chúa có tên là Trịnh Thị Ngọc Sanh, quê ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá”.

Đình Mai Động kiến trúc kiểu chữ “quốc”, Đại bái 5 gian, Hậu cung 3 gian được nối với nhau bằng một toà Thiêu hương, trước Đại bái là một sân rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên sân là hai dải vũ.

Trước đình có hồ nước, cây đa cổ thụ toả bóng mát. Cổng đình có 2 cột xây, trên cùng có 2 con nghê chầu.

Đình được các nghệ nhân xưa chế tác khá tinh xảo. Ở các đầu kẻ, các bức cốn đều chạm hoa lá. Nét chạm khoẻ khoắn, hoạ tiết không cầu kỳ. Ở 4 cột cái, giáp câu đầu, có 4 đầu dư chạm rồng ngậm ngọc, theo kiểu chạm lộng, chạm thủng. Hai câu đầu gian chỉnh giữa có khắc 2 dòng chữ “Phú quý thọ khang ninh” và “Thành Thái Ất Mùi hạ”. Đó là năm ngôi đình được sửa chữa lớn (đời vua Thành Thái - 1895).

Đình Mai Động còn bảo lưu được một số di vật quý như ngại, bài vị đức thánh Tam Trinh, kiệu bát cống sơn son, bức hoành “Thánh cung vạn tuể”. Trước Hậu cung có bộ cửa võng, kích thước 0,7m x 3m, phía trên chạm rồng chầu mặt trời. Cửa võng được chia thành 5 ô, mỗi ô một chữ Hán lớn “Chúc Thánh thọ vô cương”. Tương truyền nền đình trước kia là nơi học trò của ông Tam Trinh luyện tập võ nghệ. Vì vậy, ngoài nội dung tín ngưỡng, đình còn thể hiện tinh thần thượng võ của một vùng đất gắn với nhiều chiến công hiển hách của dân tộc.

Nghè Mai Động được xây dựng liền kề với đình Mai Động. Tương truyền nghè là nơi tướng Tam Trinh ở sau khi đánh đuổi quân Tô Định, sau trở thành miếu thờ đức thánh Tam Trinh. So với đình, kiến trúc nghè có quy mô nhỏ hơn. Nghè được xây dựng đời vua Duy Tân (1916) có kiến trúc kiểu chữ “tam”. Toà Tiền tế 5 gian, tiếp đến là Cung đệ nhị và Hậu cung đều 3 gian. Ở Tiền tế, hai vì kèo chính giữa, một làm theo kiểu chồng rường, một làm theo kiểu giá chiêng. Trước nghè có giếng ngọc, là nguồn nước ăn của làng.

Hàng năm vào ngày 9 tháng hai âm lịch (trước ngày hoá của đức thánh một ngày) dân Mai Động tổ chức rước thánh từ nghè ra đình. Ngày 10 mở hội, sau 3 ngày hội, dân làng lại rước Thánh hoàn cung. Có năm mời Thánh ngự ở đình đến 16 tháng tám mới rước về nghè.

Nghè Mai Động còn giữ được một số di vật như bức hoành khảm trai “Hoà thả binh” (mong cho dân được yên ổn sung sướng). Trước Cung đệ nhị có 3 bức hoành “Phù Trưng lập quốc”, “Văn vũ thánh thần” và “Thông minh duệ trí” được tạo tác năm 1919.

Đình và nghè Mai Động đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1980.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (T/h)