Bi kịch của người phụ nữ trong "Tro tàn rực rỡ"
Thế giới điện ảnh - Ngày đăng : 15:49, 06/12/2022
Trở về với vinh quang khi giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa, Tro tàn rực rỡ đã mang đến cho thị trường điện ảnh Việt Nam một màu sắc vô cùng mới lạ, khác biệt hẳn so với những bộ phim ra rạp trong năm 2022. Tro tàn rực rỡ đã cho khán giả gặp gỡ tiếp với những phận người nhỏ bé trong tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư sau 12 năm kể từ Cánh Đồng Bất Tận. Đây cũng chính là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau 10 năm vắng bóng sau Lời Nguyền Huyết Ngải.
Tro tàn rực rỡ kể về số phận của ba người phụ nữ mà ở họ có một điểm chung là dành suốt cả cuộc đời để chờ đợi cái ngoái đầu nhìn lại của người đàn ông họ yêu. Mặc dù Nhàn là nhân vật trung tâm của bộ phim nhưng Hậu và Loan vẫn được khai thác rất sâu và cho thấy được tấn bi kịch riêng của từng người.
Phim mở đầu bằng tâm sự của Hậu kể chồng cô - Dương - một lòng dành tình yêu cho cô gái khác là Nhàn dù cô này đã lên xe hoa với Tam. Từ đó, Dương ghẻ lạnh Hậu, ngay khi cô vừa sinh con với anh.
Người phụ nữ thứ 3 là Loan “khùng” ôm nỗi đau năm 12 tuổi bị một gã đàn ông hiếp, sống trong cô quạnh, buồn tủi để rồi ngày gặp lại gã đó cô bỗng đem lòng yêu thương.
Tro tàn rực rỡ len vào tận cùng sự bất hạnh của cả ba người đàn bà này khi mà họ lẽ ra phải được sống trong hạnh phúc, gặp người mình yêu nhưng rồi bi kịch xảy đến, đẩy mỗi người đứng trước sự nghiệt ngã đầy cay đắng, pha chút đau thương.
Phim lột tả nghịch cảnh của những người vợ sống cam chịu vì tình yêu. Từ thù ghét, Hậu quay sang đồng cảm với Nhàn vì hiểu được nỗi buồn "có chồng hờ hững cũng như không". Không ít lần, Hậu và Nhàn được những người xung quanh khuyên nên tự cứu mình khỏi bế tắc, nhưng họ vẫn chọn cách ở lại. Tác phẩm do đó mang đậm tính đối thoại với thông điệp: hạnh phúc là do chính bản thân nắm lấy.
Ngoài câu chuyện chính, mạch truyện phụ về mối quan hệ của Loan "khùng" (Hạnh Thúy) và ông Khang (Thạch Kim Long) cũng tạo màu sắc riêng. Sau nhiều năm ở tù, Khang trở về quê nhà, đối mặt với Loan - người phụ nữ ông từng hãm hại lúc còn là một bé gái. Qua những chén rượu uống cùng Khang, nỗi oán thù năm xưa dần phai nhạt, trong Loan chỉ còn lại sự cô quạnh của một người nửa điên nửa tỉnh.
Đa số dàn diễn viên trong tác phẩm đóng tròn trịa. Trút bỏ nét sắc sảo, Phương Anh Đào vào vai gái quê với vẻ ngoài hiền hậu. Cô có nhiều cảnh diễn nội tâm tinh tế, khiến người xem cảm nhận nỗi đau sâu thẳm của Nhàn khi biến cố ập đến. Bảo Ngọc tạo thiện cảm với nét đẹp trong sáng, biểu cảm vừa vặn, tự nhiên. Hạnh Thúy, Mai Thế Hiệp (vai thầy chùa), Quang Tuấn cũng làm nên sức hút tổng thể cho bộ phim.
Cuộc gặp gỡ của một tác giả sách và một tác giả phim dành sự quan tâm đặc biệt đến số phận của những người phụ nữ đã khiến Tro tàn rực rỡ trở nên “rực rỡ” đúng nghĩa. Nếu không phải dưới bàn tay nhào nặn của Bùi Thạc Chuyên với sự bảo chứng về tài nghệ của ông qua Chơi Vơi hay Bi, Đừng Sợ thì rất khó có đạo diễn nào có thể mang những nhân vật trong Tro tàn rực rỡ lên màn ảnh một cách sống động đến thế.
Đạo diễn đi sâu vào đời sống thường nhật của người địa phương bằng cách tái hiện bối cảnh. Những mái nhà lợp lá tạm bợ, cảnh người dân ép chuối phơi, khu chợ hải sản... hiện lên sống động qua màn ảnh rộng. Bùi Thạc Chuyên cho biết suốt bảy năm làm phim, mỗi năm anh vào Cà Mau vài lần để hiểu đời sống của dân bản địa, tìm cảm hứng làm phim. Anh lang thang qua nhiều làng nghề, sinh hoạt cùng dân chài, cùng họ ăn cơm, đánh cá. Có lúc, anh thức 3h để cùng một tàu cá ra biển, trải qua nhiều ngày lênh đênh.