Huyện Yên Thế (Bắc Giang): Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng du lịch địa phương

Du lịch bốn phương - Ngày đăng : 18:20, 26/11/2022

Yên Thế là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang (cách Hà Nội 75km) có diện tích tự nhiên là 306 km2 với khoảng 10 vạn dân.

Với truyền thống lịch sử, Yên Thế có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và du lịch. Huyện có các tuyến đường tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý. Đồng thời với vị trí địa lý này đã tạo cho Yên Thế có nhiều cảnh quan tươi đẹp cùng với nhiều tiềm năng du lịch đang cần được khai thác.

yen-the.jpg
Góc nhỏ Yên Thế nhìn từ trên cao

Phát huy tiềm năng du lịch

Căn cứ tiềm năng thế mạnh của địa phương, Huyện ủy, UBND huyện Yên Thế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025. Với những cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Trung ương, tỉnh, huyện kinh tế nông nghiệp liên tục tăng trưởng và có bước chuyển biến rõ nét; các sản phẩm thế mạnh của địa phương được phát huy như sản phẩm nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là huyện tiếp tục đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và phát triển tiềm năng du lịch vốn có của địa phương.

Trong đó, lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử với những giá trị to lớn được chính quyền và người đây ở đây trân trọng và gìn giữ. Với hệ thống đồn Phồn Xương, đồn Hố Chuối, Đền Thề… Hiện Yên Thế có 140 điểm di tích lịch sử văn hoá, trong đó có hơn 40 điểm được công nhận xếp hạng trong đó có 9 Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt, 7 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh. Đấy là lợi thế phát triển thu hút khách du lịch về thăm quan.

yen-the-image.jpeg
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế thuộc huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang

Là địa phương có địa hình đa dạng, lắm sông nhiều suối, Yên Thế có nhiều tiềm năng về du lịch, khoáng sản và phát triển nông lâm nghiệp.

Để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, Yên Thế ngoài việc phát triển đẩy mạnh du lịch lịch sử tâm linh, còn tăng cường đẩy mạnh thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Với tài nguyên du lịch rừng Yên Thế phong phú và phong cảnh thiên nhiên hữu tình, độ che phủ rừng ở mức bình quân cao hơn tỉnh và cả nước.

Du lịch Yên Thế thăm bản Ven thuộc xã Xuân Lương, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây với hệ thống nhà sàn, vườn chè, cây lim nghìn tuổi…; chè bản Ven thơm mát, ngòn ngọt, mật ong bản Ven là mật ong rừng tự nhiên, còn cơm Bản Ben được ăn cùng các món như thịt lợn rừng, lợn mán, lợn quay lá mắc mật, gà đồi Yên Thế, xôi ngũ sắc, xôi trứng kiến, ốc khe, măng đắng, rau rớn, hoa chuối rừng... Tại điểm du lịch cộng đồng bản Ven, du khách có thể thoải mái lựa chọn những bộ trang phục dân tộc Cao Lan hoặc các bộ đồ phong cách riêng theo ý mình để Check-in lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ… Khu du lịch bản Ven hiện đang được du khách khắp nơi tìm về. Có những thời điểm Bản Ven đón một nghìn đến hai nghìn khách mỗi ngày, đặc biệt thời điểm mùa hè các em học sinh đến trải nghiệm nhiều…

yen-the1.jpg
Những đồi chè bạt ngàn là điểm khám phá thú vị

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết: “Bản Ven có rất nhiều hồ đập lớn có biên độ mặt nước từ 100 – 200 ha như hồ Suối Cấy, hồ Cầu Rễ, hồ Đá Ong (thuộc xã Tiến Thắng). Trong xu hướng phát triển của huyện xác định phát huy những tiềm năng về lợi thế cảnh quan hồ nước và hồ sinh thái…”.

“Được sự đồng ý của tỉnh, hiện nay Cầu Rễ (xã Tiến Thắng) cũng đang được nghiên cứu để đầu tư khu đô thị, sân golf với diện tích hơn 500 ha. Hiện, dự án này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm…”, ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay.

Dự án sân golf đã nằm trong quy hoạch của huyện và tỉnh. Việc xây dựng sân gofl luôn gắn với thương mại dịch vụ. Chính vì vậy, đầu tư dự án sân gofl còn đẩy mạnh phát triển du lịch trong quần thể du lịch sinh thái ở bản Ven, Yên Thế.

Ngoài ra, Thác Ngà (thuộc xã Xuân Lương) cũng là một điểm gắn liền với bản Ven đã được tỉnh cho chủ trương phát triển khu vực này thành rừng gỗ lớn gắn với cây bản địa để làm du lịch sinh thái công viên rừng bởi ở đây có Thác Ngà là một điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch (cách khu du lịch bản Ven 6km).

Hiện nay, huyện đang phối hợp với các tỉnh để xây dựng các tour du lịch, cụ thể là tuyến Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn - Hà Nội để khai thác giá trị du lịch tại Quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế, du lịch sinh thái tại Xuân Lương, Tiến Thắng, Hồng Kỳ, Đồng Hưu.

Tiềm năng du lịch của Yên Thế đã thu hút hàng loạt các Tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup… đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển du lịch.

Tập trung đẩy mạnh cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương

Bên cạnh phát huy tiềm năng du lịch địa phương, Yên Thế còn ưu tiên lồng ghép các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó ngân sách tập trung hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, đường điện phục vụ các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh; ưu tiên phân bổ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu để tăng cường kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để thu hút quy hoạch các khu công nghiệp.

yen-the-5.jpg
Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu dân cư phía Đông, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế (tỷ lệ 1/500) Ảnh minh họa

Yên Thế có 4 cụm khu công nghiệp là Bố Hạ với diện tích hơn 6 ha, cụm công nghiệp Cầu Gỗ có diện tích hơn 20 ha. Và mới đây nhất, hình thành thêm hai cụm nữa là cụm công nghiệp Đông Sơn với diện tích 25 ha có tổng mức đầu tư của dự án là 257 tỷ đồng do Công ty TNHH sản xuất giấy và bao bì Duy Khánh làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Cụm công nghiệp Tân Sỏi diện tích 20 ha có tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang (LGG) là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Theo đó, tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bắt đầu từ quý IV/2022 đến quý IV/2024, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của dự án và lấp đầy ít nhất 60%. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Cụm ở Đông Sơn có mục tiêu thu hút các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản. Cụm ở Tân Sỏi ưu tiên một số mặt hàng chế biến và giải quyết việc làm cho người dân ở đây. Để thu hút các đơn vị về khu công nghiệp Yên Thế chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến.

Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu trên địa bàn huyện là may mặc xuất khẩu, ván ép, viên gỗ và gỗ sơ chế; mộc dân dụng, cay ép xi măng, gạch ép xi măng, gạch nung, cơ khí, đan lát... Trong đó có mặt hàng ván ép và viên nén gỗ, dăm gỗ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Ma Lai và Hàn Quốc.

yen-the(1).jpg
May mặc là một trong lĩnh vực sản xuất ở CCN trên địa bàn huyện Yên Thế. Ảnh minh họa: BGP/An Nhiên

Nói về tiểu thủ công nghiệp ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay: “Mục tiêu của huyện là thu các nhà đầu tư có năng lực và công nghệ, đặc biệt là những doanh nghiệp có công nghệ chế biến sâu. Để có sản phẩm xuất khẩu luôn ra nước ngoài mà không phải sơ chế…”.

Dự tính đến năm 2030 tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 17-18%/năm.

Là một huyện miền núi, giao thông còn gặp nhiều khó khăn, bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Chính vì vậy, Yên Thế xác định muốn phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì điều trước tiên cần làm là phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Cùng với việc quan tâm đầu tư, mở rộng các tuyến đường liên xã, UBND huyện đã rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông, hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên quy hoạch các tuyến đường tỉnh, huyện, kết nối giữa các khu vực trong huyện và các huyện lân cận.

Tính đến thời điểm hiện nay, huyện đã có nhiều tuyến giao thông quan trọng. Trong đó tuyến nối QL 37 - QL17, tuyến giao thông này sẽ thông sang huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), và khi hoàn thành thì quãng đường đi từ Hà Nội lên Yên Thế sẽ chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Hiện tuyến đường này đang được triển khai đầu tư. Đây là tuyến đường đối ngoại quan trọng, khi làm xong sẽ đánh thức các xã khó khăn ở phía Tây Bắc huyện. Tuyến đường này cũng tạo điều kiện kết nối giúp Yên Thế thu hút nhà đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái, các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn.

Một tuyến đường nữa đang triển khai là tuyến Bố Hạ kết nối ra trường cao đẳng nghề Đông Bắc và Quốc lộ 1, đây cũng là tuyến đường quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Yên Thế.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các dự án này đang được triển khai, khi hoàn thành sẽ giúp Yên Thế bứt phá, gỡ “nút thắt” về giao thông đi lại và mở thêm không gian, dư địa phát triển cho địa phương.

Với tiềm năng và lợi thế của địa phương, hiện nay ngoài đẩy mạnh cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch, hiện nay Yên Thế đang tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược trong và ngoài tỉnh, các quốc gia có trình độ phát triển cao. Đẩy mạnh hơn nữa thu hút vốn đầu tư FDI từ các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước EU…. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, thời gian tới Yên Thế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giải quyết, rà soát, loại bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mỗi cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh với Ủy ban nhân dân huyện trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, khuyến khích phát triển mạnh các thành phần kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ. Phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng các xã nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá; tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch các vùng, bãi để trồng cỏ và chăn nuôi đại gia súc; đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường hợp tác liên kết vùng phát triển du lịch, xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Yên Thế, ông Sơn chia sẻ.

Năm 2022, sản phẩm gà đồi Yên Thế được bình chọn TOP 10 thương hiệu xuất sắc 3 miền; TOP 100 các món ăn đặc sản của 63 tỉnh/thành phố Việt nam (lần V năm 2021-2022). Các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như: Chè xanh, cây có múi, dê thương phẩm, mật ong... đã từng bước được người tiêu dùng biết đến và thị trường ngày càng được mở rộng; nhiều sản phẩm có thế mạnh được phát huy và xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm và khẳng định được uy tín trên thị trường như: chè Yên Thế, dê núi Hồng Kỳ, cao thực vật Thiện Tâm,... Qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Bùi Hải