Các nhãn hàng xa xỉ tăng giá để bảo vệ thương hiệu của mình

Thời trang - Ngày đăng : 10:38, 23/11/2022

Hiện nay, sản phẩm mới của các thương hiệu danh tiếng tăng giá chóng mặt càng khiến nhiều khách hàng quyết định tìm kiếm những món đồ secondhand có giá bán rẻ hơn nhiều…
310319558_1582821618.jpg
Bộ sưu tập mới của Chanel. 

Mới đây, Chanel thông báo tăng giá các sản phẩm túi xách, đồ trang sức và quần áo tại thị trường Hàn Quốc 5-12% kể từ ngày 2/11. Theo Korea Herald, đây là lần tăng giá thứ 4 của hãng thời trang xa xỉ Pháp tại Hàn Quốc trong năm nay.  Theo đó, giá của chiếc túi Chanel Mini Flap Bag tăng 7%, từ 5,94 triệu won (104 triệu đồng) lên 6,37 triệu won (117 triệu đồng), trong khi giá của chiếc Chanel Classic Large Flap Bag tăng 6%, từ 13,35 triệu won (246 triệu đồng) lên 14,2 triệu won (261 triệu đồng). Các phụ kiện của Chanel cũng tăng giá từ 7 đến 8%, trong đó giá của ví cổ điển Classic Wallet tăng 8,3%, từ 3,99 triệu won (73 triệu đồng) lên 4,32 triệu won (79 triệu đồng).

Chanel không phải là thương hiệu cao cấp duy nhất tăng giá. Rolex, Hermes, Dior, Burberry đã thông báo điều chỉnh giá sản phẩm hồi đầu năm. Prada, Louis Vuitton và Gucci cũng lần lượt tăng giá.

hang-hieu(1).jpg
Các sản phẩm của Hermes có giá bán cao, chỉ nhắm vào khách hàng giàu có. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 10, hãng Louis Vuitton công bố mức giá tăng 3%, trong khi Fendi và Hermes tăng lần lượt là 6% và 4%. Đây là lần tăng giá thứ hai trong năm của Louis Vuitton, trong khi Fendi có ba lần thông báo tăng giá bán.

Đối với các thương hiệu cao cấp lớn, xu hướng này đe dọa "gặm nhấm" doanh số sản phẩm mới hoặc ảnh hưởng đến mức định giá của chúng. Hermès, LVMH và Chanel cho biết họ không quan tâm đến việc bán lại sản phẩm của mình. “Đây không phải là điều mà Hermès khuyến khích”, Axel Dumas, Giám đốc điều hành Hermès, nhà sản xuất túi xách Birkin nói khi được hỏi về sự trỗi dậy của thị trường đồ xa xỉ đã qua sử dụng. Ông cho rằng kinh doanh thêm đồ cũ sẽ “gây bất lợi cho những khách hàng bình thường ở cửa hàng của chúng tôi”.

Ban đầu, suy thoái kinh tế do đại dịch được xem là nguyên nhân thúc đẩy sự tăng giá. Tuy nhiên, hiện tại, dù thị trường đang hồi phục với tốc độ nhanh chóng, các thương hiệu xa xỉ vẫn tiếp tục đẩy giá lên cao hơn. Tăng giá liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến việc mất khách hàng, nhưng các công ty này dường như ít quan tâm đến điều đó. Họ mong muốn bảo vệ hình ảnh cao cấp của mình để thu hút những khách hàng giàu có, trung thành thay vì chạy theo xu hướng "mua sắm trả thù" hậu đại dịch.

Chuyên gia tư vấn thời trang người Ý, Cecilia De Fano cho biết nhu cầu hàng xa xỉ secondhand đang tăng mạnh ở những phụ nữ châu Âu giàu có, những người trước đây chỉ mua đồ mới. “Giá hàng mới ở trong các cửa hàng hiện nay ở mức cao điên rồ, khiến nhiều khách hàng để mắt đến thị trường secondhand”, cô nói. Tuy vậy, mặc dù việc tìm mua đồ xa xỉ cũ có chất lượng đang dễ dàng hơn vì thị trường đã phát triển, các giao dịch với giá hời trở nên khó kiếm vì người mua và người bán đều đã trở nên sành sỏi.

Kim Thoa (T/h)