Văn học, nghệ thuật tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái

Hoạt động hội - Ngày đăng : 16:23, 22/11/2022

Sáng ngày 22/11, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm “Văn học, nghệ thuật tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái” với sự tham gia của đông đảo hội viên các hội chuyên ngành.

Phát biểu đề dẫn hội thảo NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là một bộ phận của hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong nội bộ. Bởi, văn học nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

anh-hoi-thao(2).jpg
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại tọa đàm.

Bằng các tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ đã tích cực phản ánh sinh động thực tiễn công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng; đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, lên án các hành vi tiêu cực; đồng thời, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Tuy nhiên, qua thực tiễn cũng cho thấy trong những năm gần đây đã xuất hiện một bộ phận văn nghệ sĩ, có những hoạt động thể hiện quan điểm lệch lạc. Xu hướng ủng hộ “xã hội dân sự”, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước để thành lập các câu lạc bộ, hội nhóm tự do sáng tác, tự do thể hiện quan điểm đòi “dân chủ, nhân quyền”…

Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận cũng đã tập trung làm sáng tỏ những phương thức và hình thức chủ yếu để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; những khó khăn, thách thức trong việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Đứng trước những hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, theo NSND Trần Quốc Chiêm cần quan tâm đúng mức, phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ; có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sĩ để họ hăng say sáng tạo; đồng thời cần tăng cường làm tốt công tác quản lý, định hướng hoạt động sáng tác và biểu diễn của đội ngũ văn nghệ sĩ…

Theo nhà viết kịch Giang Phong, văn học nghệ thuật phải lấy sự sinh động của những tác phẩm của mình để chứng minh về sự phong phú, tốt đẹp của nền hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc mà Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta để đạt được. “Tác phẩm văn học nghệ thuật, không phải chỉ ra những cái chưa được, mà chủ yếu xây dựng được những hình mẫu tích cực, về con người và những sự kiện, những thành quả mà Đảng và nhân dân bao cực nhọc, kiên trì, phấn đấu, vượt qua bao khó khăn để đạt được những thành quả. Phải xây dựng những hình tượng đẹp, để đè bẹp cái xấu”, nhà viết kịch Giang Phong nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần có chiến lược và sách lược trước mắt cũng như lâu dài để triển khai công việc này. Trước mắt, cần tăng cường đầu tư của Nhà nước để tổ chức bộ máy với các trang thiết bị, nhân sự có trình độ chuyên nghiệp cao, làm chủ các kỹ thuật hiện đại về thông tin và truyền thông do cách mang 4.0 đem lại; kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc…

Về phía đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô, cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, tinh thần cảnh giác cách mạng; nhận diện và chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch, không mất cảnh giác để bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo vào hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua lợi dụng hoạt động văn học nghệ thuật.

Thụy Phương