Cô giáo dạy văn

Truyện - Ngày đăng : 11:02, 14/11/2022

Cô Mậu là giáo viên dạy văn lớp chúng tôi. Cô ở độ tuổi trung niên, người hơi đậm, giọng khàn, mắt sắc, ít cười. Gần đến giờ kiểm tra viết, chúng tôi thường căng não hơn dây đàn bởi phải thực hiện một trong hai điều: Thứ nhất là phải thuộc lòng những bài cô cho chép để trả chữ (việc này khó). Thứ hai là tìm “kế”.... thoát điểm thấp dẫu không thể thuộc lòng (việc này khó hơn việc thứ nhất).
img_8452(1).jpg
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Học thuộc lòng là việc của nhóm số ít trong lớp chúng tôi. Nhóm này suốt ngày cắm mặt vào vở như bị thôi miên. Mắt lim dim, miệng lẩm bẩm, thi thoảng lại vò đầu bứt tóc hoặc thở dài, thở ngắn, thở phào..., trông vừa ngưỡng mộ vừa tội nghiệp. Điểm kiểm tra của nhóm này thường cao ngất ngưởng vì trả đúng, đủ chữ cô (không thừa, không thiếu, không nhầm dù chỉ là một dấu chấm, dấu phẩy). Cô thường tuyên dương nhóm này bằng những câu rất mãn nhĩ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “khổ luyện thành tài”... Bọn điểm cao nở mũi nhưng trong lòng đầy mếu máo.
Nhóm còn lại, trong đó có tôi, dù đã ngồi cả buổi cũng chỉ thuộc lõm bõm vài đoạn trong vài trang văn lê thê. Câu chữ trên vở ghi ngay ngắn, chỉnh tề, có đầu có cuối là thế mà khi chui vào óc thì chúng nhảy lung ta lung tung, lộn xà lộn xộn... Nản. Tôi gạch mấy đầu dòng để ghim nhớ ý chính, sau đó cố triển khai bài văn na ná giống cô. Kết quả tôi nhận được là “tám xẻ dọc” - điểm 3, cùng lời phê: “Không đúng nguyên bản văn cô Mậu”. Vài đứa ngồi sau láu cá chuyển cụm từ “văn cô Mậu” thành “VĂN MẪU” rồi rúc rích cười vụng. Nụ cười vụt tắt khi đôi mắt của cô đã có điểm dừng.
- Hai anh ngồi bàn bốn dãy ba... đứng lên!


Hai thằng ngồi sau tôi e dè đứng dậy, lấm lét nhìn cô. Ánh mắt cô thẳng tưng đường tia chớp như muốn trút vào điểm nhìn một quả sấm khổng lồ.
- Các anh cười gì?
Im lặng.
- Nói...
Im lặng.
- Các anh không thèm trả lời tôi, đúng không? Được, để tôi gọi giáo viên chủ nhiệm, gọi phụ huynh, hiệu trưởng...
- Dạ ... em thưa cô... cô cho chúng em xin lỗi... - Thằng Trí lí nhí nói.
Cả lớp ngồi yên nghe cô Mậu đọc tên, đọc điểm. Mấy thằng chuyên quay cóp, trước giờ kiểm tra còn dương dương tự đắc với những mánh khóe mới: “phao xuyên thấu”, “mẩu tàng hình”, “bình cứu chữ”... giờ thì lồi mắt ra mà đọc lời phê của cô: “Lười, không học bài. Sử dụng tài liệu”. Từng đứa, từng đứa... bị cô “túm tại trận” khi chúng đang “hành nghề”. “Quà tặng” cho mỗi đứa nộp phao là một “quả trứng” siêu to khổng lồ, mặt đứa nào cũng méo xuệch méo xoạc, trông vừa tội nghiệp vừa buồn cười.
Mấy đứa không đủ bản lĩnh, thiếu gan dạ quay cóp thì mơ màng đọc đề, trầm ngâm suy nghĩ đến nhàu nhĩ giấy. Quá nửa thời gian mới cuống cuồng múa bút. Chúng cứ viết... cứ viết... càng dài càng tốt, mong sao cô sẽ “rủ lòng thương”. Ồ, thế là chúng đã quên tiệt lời cô: “Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công”. Chạy trời không khỏi nắng, chúng đắng lòng nhận liểng xiểng “ngan” rồi “ngỗng” rồi lời phê: “Em lấy bài văn này ở đâu?”; “Xem lại bài cô đã cho chép”...


Giờ kiểm tra văn thật khiến chúng tôi kinh hồn bạt vía. Đôi mắt hình viên đạn của cô lia khắp lớp, cắt phăng mọi sự kết nối, mọi kế nương tựa của chúng tôi. Thân liệu thân. Đừng ai hi vọng Đông, Tây, Nam, Bắc... Im phắc. Ngột.


Suốt học kì một, chúng tôi không sợ gì bằng việc làm bài kiểm tra môn văn.
Thế rồi cô Mậu chuyển trường. Cô Tự đến dạy văn lớp tôi Cô có khuôn mặt tươi tắn, tóc ngắn, chân dài... Sau màn chào hỏi, cô đưa ra tiêu chí học văn gói gọn trong ba từ: Đúng - Đủ - Mới (Nghĩa là: chúng tôi cần hiểu đúng, viết đủ và được phép nghĩ mới). Ôi, hạnh phúc đơn sơ, niềm vui bất ngờ!


Một lần, chúng tôi học văn bản “Gương báu khuyên răn” (bài 43) của đại thi hào Nguyễn Trãi. Văn bản này dẫn từ sách nguồn “Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập” (Phạm Luận phiên âm và chú giải, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2012).


Giảng đến câu số bốn của bài thơ, cô Tự giơ cuốn sách “Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập” (Phạm Luận phiên âm và chú giải) trước lớp; lật đến trang 244 có bài “Gương báu khuyên răn” số 43 với hai phần chữ: chữ Nôm phía trên; chữ Quốc ngữ phía dưới. Cô gọi tôi lên đọc phần chữ Quốc ngữ (hiển nhiên rồi, chứ ba đời nhà tôi không ai biết đọc chữ Nôm). Dõng dạc đọc bài xong, tôi định về chỗ thì cô đưa câu hỏi:
- Em hãy tìm từ khác nhau giữa văn bản trong sách giáo khoa và văn bản trong sách “Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập” (Phạm Luận phiên âm và chú giải) này?


Tôi loay hoay dò từng dòng, từng chữ bên sách này, sách kia để tìm đáp án. Cuối cùng thì cũng tìm được cặp từ: “đìa - trì”. Ở sách Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập, Phạm Luận phiên âm và chú giải, dòng thứ tư là “Hồng liên đìa đã tiễn mùi hương”. Ở sách giáo khoa, dòng thứ tư là “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.


- Theo em, “đìa” và “trì” - chữ nào phù hợp với văn bản?
- Dạ, thưa cô, em không biết.
Cô cho tôi về chỗ và treo thưởng điểm tốt cho người trả lời đúng. Cả lớp tôi ngồi im đợi cơ hội tiếp theo. Trước sự tắc não của chúng tôi, cô bắt đầu giải mã ý nghĩa của từng từ. Trì là động từ (phương ngữ) biểu thị ý nghĩa: níu giữ. Đìa là danh từ để chỉ chỗ trũng nhỏ giữa đồng, có bờ để giữ nước và cá. Đìa cũng là tính từ (khẩu ngữ) để chỉ về tính chất quá nhiều. Cô giải nghĩa xong thì hỏi lại:


- Bây giờ, theo các em, “trì” và “đìa” - từ nào phù hợp với văn cảnh bài thơ hơn?
- Từ “đìa” ạ. - cả lớp đồng thanh trả lời.
- Cô cũng chọn như các em - Cô Tự nói.
- Dạ, nếu thế thì sách giáo khoa bị sai ạ - Một đứa cuối lớp phát biểu ý kiến.
- Ai cũng có lúc nhầm, các em ạ. Các em đừng nhìn vào một từ mà phủ nhận một bài. Thầy cô soạn sách đều là thầy cô từng dạy cô nên cô biết các thầy cô rất giỏi, có tầm và có tâm. Biết đâu, thầy cô soạn sách đang thử thách xem cô trò ta có tìm được từ “đìa” không? Bài học quan trọng từ tình huống này là: Thứ nhất: ai cũng có lúc nhầm, nên các em đừng sợ nhầm mà không dám nói, không dám viết, không dám làm những điều mình nghĩ, mình muốn; tất nhiên những điều đó không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mĩ tục. Cứ mạnh dạn trình bày; nhầm đâu sửa đấy; nhầm trước, đúng sau. Thứ hai, đừng nặng nề, đừng làm quá trước nhầm lẫn của người khác, hãy bao dung nhiều hơn. Hãy nhìn vào mặt tốt, mặt đúng của người ấy nữa. Chốt lại, hãy nhìn đời bằng cả ĐÔI MẮT.


Cả lớp tôi im lặng. Dù không buộc thuộc lòng nhưng những lời cô nói đã thấm sâu, lưu lại trong huyết quản, mạch máu từng đứa một. Chúng tôi sẽ ghi nhớ những bài học này mãi mãi. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết sách giáo khoa không luôn đúng. Nhưng cũng không vì thế mà tôi thiếu tôn trọng sách giáo khoa - bạn đồng hành trên dặm trường tri thức.
Nửa học kì hai trôi qua, tôi được cô Tự chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Bên cạnh học chính khóa, học bồi dưỡng, tôi thường tới thư viện đọc sách và ghi chép những kiến thức tôi cho là quan trọng. Trong quá trình đọc và ghi chép đó, tôi nảy ra ý tưởng mới, cách diễn đạt mới mà chính tôi thấy thú vị. Sau mỗi bài thi thử, tôi thường được cô Tự khen có khả năng cảm thụ, tư duy, sáng tạo bên cạnh đôi ba điều cần khắc phục. Cứ như thế, vốn văn của tôi được tích lũy nhiều hơn qua từng ngày, từng tuần...


Ngày thi chính thức đến, cô Tự đưa đội tuyển chúng tôi đến trường trọng điểm của thành phố. Cô trò tôi đang ngồi ghế đá hàn huyên thì cô Mậu đi ngang qua. Tôi đứng dậy, cúi đầu chào cô Mậu. Cô Mậu ngoái nhìn tôi bằng đôi mắt kiểu như: “Ủa, ngồi đây làm chi vậy”? Gật đầu chào lại tôi, cô Mậu dẫn đội tuyển của cô đi rất nhanh về phía cửa phòng thi. Mười phút nữa là tới giờ gọi tên thí sinh vào phòng. Học trò của cô Mậu tranh thủ mở vở đọc như những bạn ong chuyên cần, chăm chỉ. Tôi cùng phòng với một trong những bạn ấy.


Đến giờ làm bài, học trò của cô Mậu viết văn sang tờ hai, tờ ba sớm nhất phòng. Lúc lúc, bạn ấy lại xin giấy thi từ giám thị. Cả phòng thi không ai bì kịp tốc độ của bạn ấy. Thật đáng nể. Khi tôi xong tờ ba thì thấy bạn ấy đang hì hụi viết trang cuối của tờ bốn. Tôi thầm ngưỡng mộ bạn ấy và tự dặn mình nỗ lực làm bài tốt nhất trong khả năng của tôi. Kết quả ra sao cũng không hối hận. Hết giờ thi, tôi nộp bài, thở phào nhẹ nhõm ra về cùng cô Tự và đội tuyển. Bạn kia đứng lại ở hành lang, mở vở ra và trao đổi thêm với cô Mậu, nét mặt cô có vẻ hài lòng.


Một tuần sau, kết quả thi được gửi về các trường. Tôi bất ngờ khi bản thân đạt giải Nhì trong cuộc thi này. Tôi vui với thành tích của bản thân nhưng cũng tiếc cho học sinh của cô Mậu, bạn ấy không đạt giải. Chắc hẳn bạn đã mất rất nhiều thời gian để học thuộc những bài văn mẫu dằng dặc. Tôi không thích, chính xác hơn thì không phù hợp học văn kiểu ấy. Tôi bị điểm 3, bị phê bình tuần hoàn khi học văn cô Mậu. Ngày ấy, điểm 5 với tôi là giấc mơ không bao giờ có thật. Tôi từng nghĩ: bản thân không có khả năng học tốt môn văn dù môn này hợp với tâm hồn mơ mộng của tôi. Sự xuất hiện của cô Tự đã giúp tôi “lột xác”. Cô kiên trì định hướng, tận tâm, dốc sức dẫn dắt tôi trong hành trình khám phá, chinh phục môn văn theo cách mà tôi thích nhất. Cô từng giảng:


Mỗi dạng đề - một hướng làm dù cùng tác phẩm. Em có thể hầm gà ngon nhưng khi người ta yêu cầu làm gà xé phay thì món gà hầm trưng lên sẽ không phù hợp. Gà có rất nhiều món: rang, rán, kho, nướng, hấp, hầm, rim, luộc, xào, xé phay... Em cần học để biết chọn nguyên liệu chính, gia vị, công thức... của từng món. Người ta yêu cầu nấu món nào, trong bao lâu, cho bao người... thì cố gắng làm cho hợp lý. Được phép thêm kinh nghiệm, sáng tạo của bản thân để món đó hấp dẫn, đặc biệt hơn. Miếng ngon nhớ lâu. Làm văn cũng như nấu ăn.


Chúng tôi đã có những kỉ niệm không thể quên, những cảm xúc còn nhớ mãi. Trong trái tim - lớp chúng tôi yêu mến và biết ơn cô Tự rất nhiều - một mặt trời trên bục giảng!

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Hằng