Ước vọng thành công, lan tỏa sâu rộng

Mỹ thuật - Ngày đăng : 10:47, 14/11/2022

Mới đây, triển lãm tranh dân gian Việt Nam trên chất liệu sơn mài khắc mang tiêu đề “Con đường” do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Latoa Indochine tổ chức đã cho thấy những nỗ lực rất lớn trong việc phục hồi và bảo tồn những giá trị nghệ thuật dân gian.
anh-1(1).jpg
Công chúng thưởng lãm các tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc trong triển lãm “Con đường”

Vài nét về tranh dân gian và tranh sơn mài
Theo khảo sát của các nhân viên Viện Viễn Đông Bác cổ - EFEO, của Pháp, vào dịp Tết năm 1957 ở Hà Nội:… “có tới 500.000 tranh in trên giấy thường và 2000 bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một chủ đề khác nhau trên loại giấy đã được gia cố. Số liệu này chỉ chiếm một phần sáu số tranh dân gian được làm trước những năm 1940 - 1945”. (Trích “Tranh dân gian Việt Nam”, NXB Văn hóa Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, năm 2017).
Hàng trăm năm qua, tranh dân gian đã phổ biến sâu rộng trong xã hội, và đã có sự phân loại sản phẩm: Tranh in trên giấy thường được in với số lượng rất lớn, giá thành rẻ phù hợp với đại đa số nhân dân trong tình hình kinh tế xã hội lúc bấy giờ. Để phù hợp với tầng lớp trung lưu ở thành thị và nông thôn cùng các nơi thờ cúng uy nghi có nội thất, nơi cư trú sang trọng, rộng rãi thì các nhà sản xuất tranh dân gian cũng đã có sản xuất các bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một đề tài khác nhau trên loại giấy đã được gia cố. Đó là các loại tranh khổ lớn, rộng, dài thường được bồi trúc nhiều lớp giấy cho dầy, bền và có trục trên, dưới để treo tranh cho đẹp và trang trọng. Điều đó cũng có nghĩa rằng: Tranh dân gian đã đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống ngày một nâng cao của nhân dân tùy từng thời kỳ phát triển kinh tế, văn hóa của xã hội.

anh-2b.jpg
Chân dung Nguyễn Trãi - Một tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm.


Chất liệu để thể hiện loại tranh dân gian trên giấy chủ yếu là bằng mực nho, phẩm màu son hoặc bột màu, phẩm nhuộm pha trộn với nước hoặc keo, hồ làm chất dính. Tranh Đông Hồ có nền điệp (vỏ sò nung toàn tính, giã nhỏ thành bột có mầu trắng lóng lánh) và dùng màu cái (bằng các khoáng chất như sỏi non hoặc vỏ, hạt cây) được chế tác để in tranh điệp có mặt tranh xốp nhẹ như mặt vải lụa, không trơ, rất đẹp. Tranh Hàng Trống dùng mực nho (đen) và các loại phẩm ruộm có màu sắc rực rỡ để vẽ tranh màu và có thủ pháp chuyên môn là cản màu tạo nên sắc thái và phẩm chất nghệ thuật riêng: Mềm mại, uyển chuyển. Và trong tranh thờ Chư Vị - Thánh Mẫu, nghệ nhân Hàng Trống còn sử dụng kim nhũ, ngân nhũ để tô điểm cho tranh thêm phần lộng lẫy, sang trọng, uy nghi và thần bí.
Các loại tranh dân gian, được vẽ hoặc in trên giấy thì hiệu quả vẫn là loại tranh có màu phẳng, khác hẳn với loại tranh có màu sắc sâu thẳm, óng ánh, lung linh, huyền ảo của tranh sơn mài.

Tranh sơn mài có nguồn gốc xuất xứ ở nước ta từ trước đây hàng ngàn năm (di chỉ Việt Khê ở Hải Phòng). Cả ngàn năm trước, người Việt đã dùng loại sơn ta của Phú Thọ để ngả các loại sơn then (đen) và cánh dán để trang hoàng hoành phi, câu đối, các điêu khắc trang trí kiến trúc và các đồ gia dụng quý giá, có giá trị sử dụng bền vững lâu dài. Kỹ thuật sơn ta xưa chủ yếu là dùng sơn then, cánh dán pha các loại son và phủ lên sản phẩm có thếp vàng như tượng thờ, đồ gia dụng quý giá… Thuở ấy, điêu khắc chỉ là khắc chìm, nổi khối nhẹ trên mặt tranh.
Từ 1925 - 1935, các giảng viên, nghệ nhân giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) cùng các sinh viên ưu tú đã gia công nghiên cứu và thực hiện thành công thể loại nghệ thuật tranh sơn mài bằng một chuỗi kỹ thuật liên hoàn công phu và rất phức tạp.

anh-1b.jpg


Kỹ thuật sơn mài có nhiều bí hiểm: Phủ nhiều lớp sơn rồi mài… cho đến khi lộ ra những hình nét mảng màu theo ý muốn của tác giả - có chủ định và cả nhiều khi vô tình bất chợt lộ ra, hiện ra một hiệu quả màu sắc đẹp, quí ngoài cả mong muốn thì phải nhanh, nhạy ngừng lại, giữ lại hiệu quả màu sắc của chất liệu sơn. Cho nên nói rằng động tác mài sơn là vẽ, chứ không hẳn là kỹ thuật mà đó là tâm hồn, là nghệ thuật. Sự mài nhẵn hay tạo xù xì, mặt tranh được đánh bóng có độ nông sâu (tùy chỗ khác nhau) hay toàn bộ đều là kỹ năng rất uyên bác của người nghệ sĩ tài năng trên cơ sở vững vàng tay nghề, chủ động giữa nghệ thuật và kỹ thuật sơn mài, khắc.

Một sự kết hợp thú vị

Gần 100 bức tranh sơn mài khắc được giới thiệu trong triển lãm “Con đường” đã cho thấy một sự kết hợp thú vị trong việc chuyển hóa tranh dân gian vẽ, in trên giấy sang tranh dân gian trên chất liệu sơn mài, khắc. Vẫn là những chủ đề, đề tài của tranh dân gian, nhưng kỹ thuật thể hiện nghệ thuật sơn mài, khắc đã tạo nên vẻ đẹp mới cho dòng tranh truyền thống này.

Cũng phải nói thêm một chút, sơn khắc có nguồn gốc từ ngoại quốc truyền vào ta với tên gọi là Coromendel (tên địa phương của Ấn Độ). Từ giữa thế kỷ thứ XX, các nghệ sĩ vẽ tranh sơn mài rất ít khi phối hợp với điêu khắc trên mặt tranh, có chăng là điêu khắc để lấy nền (đào sâu trên mặt vóc tranh) rồi sau đó khảm vỏ ốc, vỏ trai hoặc vỏ trứng để tạo các mảng, nét màu làm cho phong phú, đa chất liệu cho mặt tranh sơn mài. Còn khi làm tranh khắc Coromendel thì chỉ khắc các mảng hình có viền nét đen (do vóc để lại), sau đó tô màu sơn dầu vào các mảng hình đó, hoàn thiện mặt tranh trên toàn bộ.

Nhưng trong sơn mài khắc như trên các tác phẩm trưng bày trong triển lãm này cách làm có công phu hơn: Sau khi đã có hình khắc sâu xuống vóc, các tác giả còn sơn nhiều nước lót như acrylic màu trắng rồi lại mài sơ để lấy phẳng, tiếp tục lại mài và sơn nước lót màu theo yêu cầu. Đến độ vừa ý mới phủ sơn cánh dán trong suốt để có thể làm ẩn hiện các lớp màu lộ ra ở phía dưới tức các lớp sơn lót đã điểm, như vậy màu sắc trên cách làm tranh khắc như thế này sẽ lung linh huyền ảo trên toàn bộ mặt tranh.

Các dòng tranh Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ đều được các nghệ nhân chuyển hóa thành tranh sơn mài khắc và có thể dễ nhận thấy các loại tranh Hàng Trống đã đạt tới các thành tựu nhất định. Về mặt cấu trúc các loại tranh này có bố cục chặt chẽ, hệ thống nét, hình rất đẹp, phong cách cách điệu hóa, biến chuyển rất thần tình, độ đậm nhạt trên tranh có độ chuyển tiếp rất êm, phối hợp màu hòa hợp, tôn nhau mà rực rỡ…, đó là các điều kiện mà nghề nghiệp gọi là có đất dụng võ, nên các tác phẩm khá thành công, nhất là các loại tranh vẽ về Chư vị Thánh mẫu, như Tứ Phủ Đại công đồng, hoặc tranh Ngũ hổ (mà ở đây mới chỉ có tranh đơn vẽ đơn lẻ từng con hổ các màu: Hổ trắng, hổ đen, hổ vàng, hổ xanh, hổ đỏ; mỗi con hổ tượng trưng cho một thần linh trấn trị cho một cõi ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm).

Trong triển lãm tranh, khách đến còn được xem các tác phẩm cổ điển nổi tiếng khác không phải là tranh dân gian được các nghệ sĩ thể hiện trên chất liệu sơn mài, khắc, như: Tranh chân dung của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (nay đang được bảo quản tại Bảo tàng Hà Nội). Tại vị trí trưng bày hiện nay trong triển lãm, khi ta chiêm ngưỡng bức tranh sơn mài, khắc ở điểm nhìn trực diện, ta cảm thấy vẻ đẹp nghệ thuật của nguyên tác được nhân lên gấp bội ở độ sâu lắng, thâm trầm mà huyền ảo của một bản hợp tấu sắc màu của sơn mài. Và ở vị trí có điểm nhìn khác thì lại có sự chuyển biến màu theo ánh sáng rất lung linh và huyền ảo.

Bên cạnh đó, có những bức tranh lớn hết sức “tốn công, tốn của” như bức “Trúc Lâm Đại sĩ” (cao 0,55m; dài 4,80m) vốn nguyên tác được vẽ trên giấy xuyến chỉ (giấy mềm, mỏng như lụa). Tranh vẽ thể hiện giai đoạn Phật hoàng Trần Nhân Tông (có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ) rời nơi tu tập tại Hành cung Vũ Lâm (tại địa điểm Tràng An, Ninh Bình hiện nay) và được triều đình đón về Kinh thành Thăng Long khoảng năm 1299. Ở bức tranh này ta thấy một hệ thống hình, nét khắc rất chuẩn mực, nghiêm cẩn thể hiện hàng trăm nhân vật là binh lính vua, quan, võng lọng của Triều nghi cho tới voi, ngựa và cảnh vật rừng núi, sông nước, thuyền ngự… và điều đặc biệt là sự diễn tả không gian trên tranh hết sức lung linh, huyền ảo mà bay bướm chứng tỏ những tay nghề vững vàng khi xử trí lớp lớp vàng son được thếp trên mặt tranh.

Bức tranh lớn “Hương Vân Đại đầu đà” (cao 1,20m, dài 3,60m) diễn tả cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông rời thành Thăng Long lên tu tại vùng núi Yên Tử. Giai đoạn này ngài có đạo hiệu là “Hương Vân Đại đầu đà”. Tranh này là sáng tác mới của họa sĩ Lương Minh Hòa, hiện đang công tác tại Công ty Latoa Indochine. Tâm đắc với ước nguyện của Phật hoàng khi ngài rời bỏ ngai vàng để tu tập Phật giáo “Làm vua thì cứu nước, cứu dân/ Làm Phật thì cứu giúp được muôn đời”, một ý tưởng nhập thế của một bậc anh minh đế vương, tuy xuất gia nhưng không xuất thế, họa sĩ đã phóng tác bức tranh này trên cơ sở tiếp nhận thành tựu tạo hình của bức tranh lớn Trúc Lâm Đại sĩ. Chủ yếu là kế thừa về phương pháp tạo hình cho số đông nhân vật của triều đình xưa.

Trên cơ sở kế thừa nghệ thuật tranh dân gian cổ, các nghệ nhân còn sáng tác một loạt 20 tranh có đề tài “con mèo” có nguồn gốc sáng tạo từ phóng tác các tranh độc hổ của tranh thờ Chư vị Thánh mẫu (tranh Hàng Trống). Song loạt tranh này còn chưa kết hợp được yếu tố sáng tác mới về tạo hình (thể hiện hình tượng “con mèo”) với các yếu tố trang trí cổ truyền trên tranh dân gian.

Sơn mài, sơn khắc, sơn mài khắc đang là một chất liệu rộng mở cho các nghệ sĩ vẽ tranh tạo hình và các loại tranh mỹ thuật trang trí; nghiên cứu, thể nghiệm để có sự hoàn thiện, thành công, phong phú nhiều mặt cho truyền thống sơn mài Việt Nam, chắc chắn sẽ mở đường cho những thay đổi đáng quý sắp tới cho truyền thống nghệ thuật tạo hình và trang trí Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần trả lời thêm một số câu hỏi như: “Độ bền của tác phẩm? Có sự loại trừ giữa chất liệu cổ truyền của ngành sơn là sơn ta với các chất liệu mới mà chúng ta đang thực hành, thể nghiệm để nâng cao và rộng mở khả năng của sơn mài khắc không? Các hiện tượng loại trừ nhau dẫn tới bong tróc các lớp sơn sau một thời gian sẽ như thế nào? Thời gian sẽ trả lời và các nghệ sĩ đang thực hiện ước vọng nâng cao, lan tỏa thành công rộng rãi trong xã hội hiện đại.

Nếu bền vững lâu dài thì đó là tuyệt vời, là mong ước chung của không những nghệ sĩ đang có tác phẩm trưng bày tại triển lãm này mà còn là ước vọng chung cho giới nghệ sĩ chuyên sáng tác thể loại sơn mài để phục vụ cho đời sống văn hóa hiện đại của xã hội Việt Nam.

Phan Ngọc Khuê