Phát huy nguồn lực xã hội hóa đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật

Hoạt động hội - Ngày đăng : 09:52, 14/11/2022

Khi bàn đến việc “Phát huy nguồn lực xã hội hóa đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội có nhiều lợi thế, tiềm năng song chưa được khai thác một cách hiệu quả.
phat-huy-nguon-luc-1(2).jpg
Phố bích họa Phùng Hưng trở thành điểm check-in yêu thích của du khách khi đến Hà Nội

Nguồn lực dồi dào
Đó là những trao đổi tâm huyết của các chuyên gia, nhà lý luận phê bình, văn nghệ sĩ Thủ đô khi tham dự hội thảo “Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức. Hội thảo là một hoạt động hữu ích, thiết thực, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Đánh giá về vai trò của văn học nghệ thuật trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, có thể xem văn học nghệ thuật là xương sống, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, điện ảnh và âm nhạc là hai lĩnh vực mang lại nguồn doanh thu khổng lồ. Một số lĩnh vực khác như văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa, văn nghệ dân gian đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho công nghiệp văn hóa phát triển. Ngoài ra, các tác phẩm văn học nghệ thuật còn tạo ra giá trị gia tăng với các sản phẩm “ăn theo” như: Phim trường, không gian trong phim trở thành điểm tham quan du lịch; đồ lưu niệm; thương hiệu và hình ảnh; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật... Và, khi sản phẩm văn học nghệ thuật trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành “sức mạnh mềm” ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa.


Trong khi đó, khi nghiên cứu về môi trường để phát triển công nghiệp văn hóa trong điều kiện hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Huế đánh giá cao về những tiềm năng cũng như lợi thế sẵn có của Hà Nội ở các khía cạnh: Môi trường chính phủ luật pháp và chính trị; môi trường nhân khẩu học; môi trường văn hóa xã hội; môi trường kinh tế và môi trường công nghệ; môi trường hội nhập toàn cầu. “Với vai trò là Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung nhiều địa điểm văn hóa, các công trình kiến trúc, các trung tâm chính trị, thể thao mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Là thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, là thành phố với ngàn năm văn hiến, vốn di sản văn hóa của Hà Nội vừa phong phú vừa đa dạng, đặc biệt là lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì vậy Hà Nội là thành phố có môi trường văn hóa xã hội thuận lợi cho các ngành của công nghiệp văn hóa như giáo dục, đào tạo nhân tài, du lịch, thương mại, kinh tế, nghệ thuật... khai thác dựa trên vốn di sản của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.


Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh thì dẫn chứng về một số sản phẩm sáng tạo có sự tham gia tích cực của các cá nhân và tổ chức xã hội và đã tạo ra những không gian nghệ thuật thu hút sự quan tâm của công chúng như: Phố bích họa Phùng Hưng, con đường gốm sứ ven sông Hồng; các tác phẩm kịch của Sân khấu Lệ Ngọc - mô hình sân khấu hoạt động bằng hình thức xã hội hóa; những đêm biểu diễn ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội và Giáo phường ca trù Thăng Long ở Bích Câu đạo quán và ngôi nhà di sản 87 Mã Mây hay đình Kim Ngân; 14 bảo tàng tư nhân, trong đó tiêu biểu như Bảo tàng mỹ thuật tư nhân Phan Thị Ngọc Mỹ ở Sài Sơn, Quốc Oai, Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp ở An Dương Vương, Tây Hồ, Bảo tàng gốm sứ Kim Lan ở Gia Lâm…

Lãng phí và rào cản

Tuy nhiên, theo các văn nghệ sĩ, dù có một nguồn lực dồi dào cùng môi trường thuận lợi, tích cực song việc phát huy nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô còn nhiều điều cần bàn. Đó là sự lãng phí về tiềm năng cũng như nhiều lợi thế chưa được phát huy, nhất là Hà Nội là một vùng đất tinh hoa 4 phương tụ hội có nguồn lực sáng tạo tài năng, tâm huyết, chuyên nghiệp - với hàng nghìn văn nghệ sĩ - song dường như chưa được khai thác xứng tầm, thậm chí nhiều nguồn lực còn bị lãng quên. Vai trò của các hội nghề nghiệp, từ văn học đến điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, sân khấu, múa, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh chưa được phát huy như kỳ vọng.


Cùng với đó, những rào cản của thể chế chính sách đối với việc thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật còn nhiều, nhất là việc giải bài toán về lợi ích một cách ưu đãi, hài hòa cho nhà đầu tư. “Nguồn lực xã hội hóa sẽ không đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật nếu họ không được hưởng lợi, không nhìn thấy lợi ích, không được hỗ trợ, ưu đãi như cho vay vốn, miễn giảm thuế, cho thuê không gian…”, NSND Trần Quốc Chiêm nhận định. Còn đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Khanh thì cho rằng, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội hoạt động văn hóa nghệ thuật còn rườm rà. Những chính sách khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa nghệ thuật còn nhiều hạn chế, chưa thực sự là cú hích trong cơ chế thị trường.

phat-huy-nguon-luc-1(1).jpg
Du khách quốc tế thưởng thức buổi biểu diễn ca trù ở ngôi nhà di sản 87 Mã Mây


Cần tạo đòn bẩy mạnh mẽ

Vì vậy, văn nghệ sĩ đều cho rằng, muốn phát huy nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, rất cần sự vào cuộc sâu rộng và thiết thực của các cấp, các ngành. Việc bổ sung, đổi mới thể chế chính sách để thực sự thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp cho văn hóa nghệ thuật rất cần thiết và là một trong những đòn bẩy cho việc phát triển công nghiệp văn hóa. Vai trò quản lý của Nhà nước sẽ tạo hành lang chính sách để các tổ chức hoạt động, làm việc thật hiệu quả.


Đối với vai trò của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thì cần phát triển thêm các hoạt động hỗ trợ sáng tạo, để tạo sức bật thật sự. Việc phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Những tổ chức nghề nghiệp do chính các đơn vị làm nghề tham gia, họ sẽ biết thực hiện các chương trình, dự án mang lại nhiều lợi ích; nhất là các lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật truyền thống, âm nhạc… sẽ tăng thêm doanh thu nếu có những đề án, dự án chất lượng, tích cực quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sáng tạo, kiến tạo không gian sáng tạo…


“Tính kế hoạch và lập dự án là một lỗ hổng rất đáng quan tâm. Để giúp các hội chuyên ngành làm tốt việc này, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cần có những hướng dẫn cụ thể bằng văn bản mẫu kế hoạch và dự án một cách chi tiết. Với riêng Hội Điện ảnh Hà Nội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cần ủng hộ để Hội xúc tiến đề án liên hoan phim ngắn Hà Nội - giải Sao Khuê khởi động vào quý III năm 2023; triển khai dự án làm phim tài liệu “Sinh năm 1972” - đây là dự án nhằm thực hiện kế hoạch kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972 - 2022) của Thành phố Hà Nội”, nhà lý luận phê bình Cao Ngọc Thắng đề xuất.
Với Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, NSND Ứng Duy Thịnh cũng cho rằng cần xây dựng đề án và tổ chức biểu diễn, quảng bá chương trình nghệ thuật “Tinh hoa múa Việt” tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. Đây là chương trình chọn lọc các tác phẩm múa tiêu biểu, có giá trị, văn hóa, giá trị nghệ thuật trong lịch sử phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, như múa nón, múa sạp, múa xòe hoa, múa Katu, múa cánh chim và ánh sáng mặt trời, mùa tuần đuốc, múa pho tượng cổ, múa vũ nữ Chăm…


Cùng với đó, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Văn Mỹ, ngay chính Hội Liên hiệp cũng cần chủ động tận dụng những nguồn lực to lớn từ các doanh nghiệp cũng như trân trọng những dự án hợp tác hiệu quả. “Những công trình, tác phẩm tiêu biểu hình thành từ nguồn “xã hội hóa”, cần được trưng bày tại một khu vực của đại hội Hội Liên hiệp tổ chức 5 năm một lần. Tại vị trí trang trọng của mỗi sản phẩm cần ghi rõ đơn vị tài trợ để tri ân sự đóng góp của họ. Mặt khác, nên mở rộng giao lưu với nước ngoài, cụ thể với Hàn Quốc. Hiện nay, ở Hà Nội có Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt - Hàn, do Tiến sĩ sử học Sim Sang Joon làm giám đốc. Qua ông, chúng ta tìm hiểu Seoul và Hàn Quốc trong quá trình phát triển đất nước theo kinh tế thị trường thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Hàn gặp khó khăn và thuận lợi gì. Những kinh nghiệm hay và thiết thực của bạn sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn để đến cái đích cần phải đến”, nhà nghiên cứu Trần Văn Mỹ gợi ý.

Hoàng Anh