Lời giải nào cho sự bất cập trong điều hành thị trường xăng dầu?

Tin tức - Ngày đăng : 16:19, 09/11/2022

Việc thiếu nguồn cung xăng dầu dẫn đến hậu quả là các DN “càng bán càng lỗ”, các chuyên gia, doanh nghiệp nêu ý kiến, cần chuyển công tác quản lý về một đầu mối sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn về điều hành.

Điệp khúc lại… hết hàng

Thời gian qua, tình trạng người dân phải xếp hàng dài để mua xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước do những bất cập về nguồn cung.

Rất nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị về khả năng phối hợp và điều hành thị trường xăng dầu của liên Bộ Công Thương - Tài chính chưa thực sự hiệu quả, đã có sự "đùn đẩy" về trách nhiệm khiến cho doanh nghiệp gặp khó, thị trường thiếu nguồn cung cục bộ…

Liên quan đến vấn đề, đại diện Cửa hàng xăng dầu MyPetrol số 2 của Công ty CP Vật tư Thương mại Vĩnh Phúc trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài lúc 21h30 nói: Chúng tôi lại phải treo biển hết hàng. Các cây xăng quá khan hàng, hơn nữa việc chiết khấu cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ gần như bằng 0 khiến “càng kinh doanh càng lỗ”, bỏ ra hàng tỷ đồng để lỗ thì có mặt hàng nào kinh doanh kiểu đấy.

profile-petrolimex_final-2-18.6.2011-_page3_image1.jpg
Hệ thống cây xăng của Petrolimex là đơn vị duy nhất hiện đang hàng ổn định.

Trước kỳ điều hành giá xăng dầu vừa rồi chiết khấu được có 55 đồng/lít, trừ cước vận chuyển cũng hết, nói gì đến việc hoạt động, trả lương cán bộ công nhân viên… Đến khi tăng, chiết khấu được hưởng 180 đồng/lít sẽ ra bài toán kinh doanh. Tình trạng cửa hàng lại hết dầu còn xăng, hoặc hết cả hai gần đây là “bình thường”. Nếu tiếp tục chiết khấu bằng 0, doanh nghiệp không thể kinh doanh được.

Có những ngày các cửa hàng của chính Petrolimex còn hết hàng, dân than có khi đi cả chục cây số mới may tìm được cây xăng để đổ, nhưng ai cũng cần mua nên lại quá đông.

“Hiện tại, doanh nghiệp đã quay lại lấy được hàng trong kho Đức Giang, nhưng nơi đây chỉ cấp theo tiến độ bình quân, trong khi lượng nhu cầu tăng lên dẫn đến lúc có, lúc không. Còn xăng E5 vẫn thiếu, buộc phải đi K130 Quảng Ninh mới có. Hôm qua, lái xe nhập hàng dưới Quảng Ninh về bảo quá mệt trong tình trạng chờ, mà cũng không có để nhập, thường chỉ bằng 1/3 công suất xe chở” – đại diện Cửa hàng này cho biết.

Quy một mối để rõ trách nhiệm

Các chuyên gia đều cho rằng, nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, TP nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do Bộ, ngành nào.

Nguyên nhân do Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo cung cầu thị trường nhưng liên quan đến công thức tính giá xăng dầu thì lại vẫn giao một phần trách nhiệm cho Bộ Tài chính quản lý. Như vậy, việc cần đưa về một mối để tránh đổ trách nhiệm khi tình hình thị trường có diễn biến phức tạp, sau quy trách nhiệm sẽ rõ hơn.

Nếu có thể đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương quản lý xăng dầu sẽ giúp không chồng chéo trong quản lý. Bởi, trong quản lý xăng dầu, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý về giá, cách tính các loại giá cả; Bộ Công Thương quản lý về nguồn cung, thị trường, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tiến hành sớm việc phân công nhiệm vụ này bởi sửa chính sách nhưng sẽ có độ trễ, trong thời gian đó, doanh nghiệp vẫn đang phải "gồng" mình để đảm bảo cung ứng xăng dầu.

Mọi thứ cơ bản nằm trong tay quản lý của Bộ Công Thương. Bộ có đủ năng lực để quản lý, song thách thức lớn nhất là có xử lý được vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu hiện nay hay không, bởi bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ...

Còn theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.

“Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý. Khi đó, Bộ Công Thương quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu cho nhu cầu” - ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu... Để chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sớm sửa đổi Nghị định 95, giúp khơi thông được các đầu mối công việc, chuyên gia này cho hay.

Giải pháp trước mắt

Việc chuyển quản lý xăng dầu sang Bộ Công Thương chỉ là giải pháp tạm thời. Đó là nhận định của chuyên gia Vũ Vinh Phú, về lâu dài, để thị trường xăng dầu vận hành tốt, cần thực hiện tăng dự trữ lên 3 - 6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới. Nguồn xăng dự trữ này sẽ được quản lý bởi doanh nghiệp thuộc Nhà nước.

Ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, để doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”, chiết khấu tự thỏa thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, quản lý buôn lậu, gian lận thương mại. Doanh nghiệp bán lẻ sẽ tự quyết định việc điều chỉnh giá theo thị trường và biết cách tính toán chi phí cho việc kinh doanh xăng dầu của mình.

"Có thể có những khung giá cần thiết khi có biến động đột biến như thời gian vừa qua. Chúng ta có thể thử nghiệm việc này trong những năm tới, làm quen dần với cơ chế thị trường đúng nghĩa” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam hiện nay đã quá cao, cao gần gấp nhiều lần so với các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Với khâu trung gian quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá bán ra, thiệt hại cho người tiêu dùng. Trung gian càng nhiều, giá thành bán ra càng lớn.

“Thị trường xăng dầu muốn bình ổn, phải rà soát hoạt động doanh nghiệp đầu mối, thương nhân bán buôn, phân phối, sàng lọc giữ doanh nghiệp tuân thủ quy định trong nhập khẩu, phân phối về kho lưu trữ, hệ thống cửa hàng... Cần cắt bỏ khâu trung gian để giảm chi phí” - ông Phú cho biết.

Hải Truyền