Hà Nội: Tăng cường trồng cây xanh mới và thay thế cây già cỗi

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 16:01, 07/11/2022

Để đem lại không gian xanh mát, không khí trong lành cho thủ đô, Hà Nội luôn chú trọng tới việc phát triển mở rộng hệ thống cây xanh đô thị. Tuy nhiên bên cạnh hệ thống cây mới, nhiều cây lâu năm trải qua tác động từ môi trường qua gần thế kỉ đã trở nên già cỗi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Chính vì vậy, những cây lâu năm này cần sớm được thay thế.

Hệ thống cây xanh đô thị từ những thập kỉ trước cho đến hiện tại luôn đem lại rất nhiều lợi ích: tạo không gian xanh mát, chống ồn và khói bụi, giúp cân bằng sinh thái,… Tuy nhiên, không thể phủ nhận, dưới những tác động chủ quan và khách quan của con người cũng như môi trường: không gian sống bị thu hẹp, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp,... dẫn đến nhiều cây phát triển cong, nghiêng, lệch tán, thu ngắn tuổi thọ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Điển hình như những cây già cỗi được trồng từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, một phần quận Hai Bà Trưng, Đống Đa...

pho-phan-dinh-phung-18551.jpg
Hàng cây trên phố Phan Đình Phùng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Anh Tuấn, mặc dù những năm gần đây thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát, cắt sửa cây nguy hiểm, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh đô thị, nhất là trong mùa mưa bão, song nhiều trường hợp rất khó phát hiện bằng mắt thường, nhất là cây bị sâu mục bên trong thân.

Nhằm tăng cường quản lý cây xanh đô thị, cũng như phát triển hệ thống cây xanh - cảnh quan, UBND thành phố đang lấy ý kiến dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội (sửa đổi và thay thế Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 14/5/2010). Việc sửa đổi nhằm phù hợp với quy định pháp luật mới (Luật Tài sản công 2017), đồng thời nâng cao trách nhiệm công tác quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố.

Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du chia sẻ, dự thảo quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị chăm sóc, quản lý duy tu, duy trì cây xanh; trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát, bảo đảm mật độ cây xanh theo quy hoạch trong các khu đô thị, khu công nghiệp. Bên cạnh đó thành phố sẽ khảo sát, lập kế hoạch thay thế cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, còi, cong, nghiêng; khảo sát, chặt hạ các cây bị nghiêng, không đảm bảo, có nguy cơ bị gãy đột ngột.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để phòng ngừa tai nạn do cây gãy đổ trong mùa mưa bão, việc thay thế những cây đã quá già cỗi, thiếu thẩm mỹ là cần thiết, song không phải chặt bỏ hết cây cổ thụ mà cần có cách làm khoa học. Áp dụng các công nghệ để đánh giá tình trạng của cây như siêu âm, khoan rút lõi, quan sát đánh giá tình trạng sâu bệnh... Bên cạnh đó, khi nghiên cứu trồng cây đô thị phải tính đến khả năng sinh học của từng loài, ưu tiên cây có tuổi thọ cao và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố của Hà Nội.

Phương Anh