Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ

Tin tức - Ngày đăng : 16:37, 05/04/2021

Chiều 5/4, Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thống nhất cao bầu ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tổ chức Trung ương - làm Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả kiểm phiếu vừa được công bố cho thấy, ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết về việc bầu giữ chức vụ cũng đã được Quốc hội thông qua với 462/466 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội).
Sau đó, tân Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ nhậm chức: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội và cử tri cả nước ghi nhận lời tuyên thệ của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và trao tặng hoa chúc mừng Thủ tướng.

Phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ nhận thức sâu sắc rằng, Chính phủ và hoạt động của Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, tuân thủ Hiến pháp và Pháp luật.

Hơn 75 năm qua, đặc biệt là trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Chính phủ qua các nhiệm kỳ đã đạt được những thành tựu to lớn; đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ này đã tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó, công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã triển khai rất hiệu quả và được nhân dân, cộng đồng quốc tế ủng hộ, ngưỡng mộ và đánh giá cao.

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được qua các thời kỳ; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Cụ thể: Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng, chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.
Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng thời, Thủ tướng mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp, giám sát của Quốc hội, của Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các vị đại biểu Quốc hội; sự giúp đỡ quý báu của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lão thành cách mạng; sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của các cơ quan truyền thông báo chí, của cử tri, nhân sĩ, trí thức, đồng bào ta ở trong nước và ở nước ngoài.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Với trọng trách mới được giao, tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các đồng chí Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc.
Tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng tiền nhiệm và các thành viên Chính phủ, những người đã đóng góp rất tích cực, hiệu quả cho hoạt động của Chính phủ thời gian qua và sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đối với bản thân tôi”.

Đồng chí Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958; là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật, Kỹ sư Xây dựng; quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa XII; Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Bắt đầu quá trình công tác, năm 1984, đồng chí Phạm Minh Chính được phân công làm Nghiên cứu viên Khoa học Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ. Năm 1989, đồng chí là Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tại Rumani.

Năm 2006, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Bộ Công an.

Tháng 4/2007, đồng chí được thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng Công an nhân dân; tháng 12/2009, phụ trách Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công an. Tháng 2/2010, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật, Bộ Công an. Tháng 3/2010, đồng chí được phong học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành Luật; tháng 7/2010, được thăng cấp bậc hàm Trung tướng.

Tháng 8/2010, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 1/2011, đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2015, đồng chí được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2010-2015.

Từ tháng 4/2015 đến tháng 1/2016, Bộ Chính trị điều động, phân công đồng chí Phạm Minh Chính giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Tháng 1/2016, tại Đại hội Đảng lần thứ XII, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 2/2016, Bộ Chính trị quyết định phân công đồng chí Phạm Minh Chính tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

  1. Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ngày 31/1/2021, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

KTĐT