Hoài Đức (Hà Nội): chậm trễ Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc.

Văn hóa – Di sản - Ngày đăng : 09:09, 28/10/2022

Trong khi thành phố Hà Nội đang quan tâm đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích, việc này không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay, mà còn tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, tại huyện Hoài Đức, dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc hiện nay đang bị chậm tiến độ và có dấu hiệu đi ngược lại các quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích của các cơ quan quản lý.

Ngày 08/12/2021, ông Phạm Gia Lộc – Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Hoài Đức ký quyết định 1091/QĐ-BQL về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Thi công xây dựng công trình: Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc địa điểm xã Cát Quế, huyện Hoài Đức.

z3826978622988_f06e967504087af503928a75190db2f8.jpg
Quyết định số 1091/QĐ-BQL ngày 08/12/2021 của BQLDA ĐTXD huyện Hoài Đức về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Thi công xây dựng Công trình Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc (Cát Quế- Hoài Đức).

Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Kiến Hưng và Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Sun Việt với giá trúng thầu 8.852.272.000 đồng, gói thầu hơn 8 tỷ tiết kiệm hơn 40 triệu đồng và chỉ duy nhất đơn vị nêu trên tham dự thầu và trúng thầu.

Mặc dù dự án này thi công từ cuối năm 2021, thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 180 ngày. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận thực tế của PV những ngày cuối tháng 10, dự án vẫn còn đang dang dở chỉ có hai công nhân đang làm mái, trong quá trình thi công không có bảo hộ lao động. Đặc biệt, tại dự án nhưng không thấy sự xuất hiện của chỉ huy trưởng công trình.

z3826979711315_5c8081f244e233faeb6cf68f9305351a.jpg
Hiện tại dự án đang chậm tiến độ gần 6 tháng, mọi hạng mục vẫn còn dang dở chưa hẹn ngày bàn giao?

Bên cạnh đó, tại khối nhà chính diện, từ cốt nền đến bờ tường bao quanh đang sử dụng rất nhiều vật liệu xây dựng bằng gạch nung (gạch chỉ đỏ) để thi công có dấu hiệu trái với thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Cũng theo phản ánh, nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn trúng gói thầu trên. Theo phản ánh, Công ty TNHH Kiến Hưng trong 3 năm gần đây (2018-2019-2020) thi công những gói thầu quy mô nhỏ cung cấp hàng hóa, chưa từng thi công công trình nào đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu?

Trong khi đó, Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Sun Việt trong 3 năm gần đây (2018-2019-2020) chỉ thi công những gói thầu dân dụng và đường, không thi công công trình di tích văn hóa và không có công trình nào đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu?

Để làm rõ vấn đề nêu trên, PV có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Nam -PGĐ Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Hoài Đức. Tại buổi làm việc, ông Nam thừa nhận việc dự án Tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vĩnh Phúc đang bị chậm tiến độ “Lý do chậm có nhiều nguyên nhân do vốn chậm và giải thích với người dân ở địa phương về phương án làm vì dự án liên quan đến đền chùa, tâm linh là phải giải thích người dân hiểu”.

Liên quan đến việc trong quá trình thi công có sử dụng gạch nung (gạch chỉ đỏ), ông Nam thừa nhận có sử dụng những loại vật liệu nung: “Theo Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì không cho phép nhưng đây là dự án liên quan đến di tích chịu ảnh hưởng cả Luật di sản nữa, với lại sử dụng gạch nung chất lượng vẫn đảm bảo và chắc chắn”.

z3827987692425_5e5ca3308d4642dcf55abddbddb31b8f-1-.jpg
Toàn bộ phần tường bao của khối nhà chính diện đang sử dụng gạch nung để hoàn thiện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban dự án cho biết: “Việc nhà thầu không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn trúng gói thầu, sau khi tiếp nhận phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra lại ngay mọi tiêu chí, về hợp đồng tương tự của 2 đơn vị nhà thầu trên. Trong đó, Công ty TNHH Kiến Hưng đã thi công gói thầu: “Tu bổ, tôn tạo di tích Lịch sử Văn hóa đình Phương Bảng, xã Song Phương”, giá trị 24 tỷ đồng, khởi công ngày 26/9/2012, hoàn thành ngày 4/9/2019. Còn phía Công ty CP tư vấn đầu tư Xây dựng và Thương mại Sun Việt chỉ xây dựng các công trình dân dụng, chưa có công trình nào làm về di tích lịch sử văn hóa.

Kính đề nghị UBND huyện Hoài Đức và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc thanh kiểm tra những vấn đề tồn tại dự án nêu trên và có hình thức xử lý những vi phạm (nếu có).

Tòa soạn Người Hà Nội sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả khi nhận được thông tin phản hồi từ các đơn vị chức năng./.

Theo nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỉ đồng cho 579 di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, việc tu bổ, tôn tạo di tích là một trong ba lĩnh vực thành phố quan tâm đầu tư lớn ở giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai bởi việc tu bổ, tôn tạo di tích không đơn thuần là một công trình xây dựng mà nó hàm chứa yếu tố văn hóa, tâm linh nên cần thận trọng. Chính vì vậy sự thống nhất chung, thường xuyên kiểm tra, giám sát, khắc phục sai phạm (nếu có) trong quá trình triển khai, thực hiện.

Tùng Dương