Người mẹ thứ hai của cậu học trò nghèo bị mắc bệnh xương thủy tinh
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:39, 05/07/2022
Gieo mầm yêu thương
Cô giáo Vương Tuyết Băng biết tới Hoàng Ân trong một lần đi dạy thay tại lớp 2B dịp đầu năm học. Chị vẫn nhớ như in khi ấy vừa bước vào lớp đã thấy ngồi ngay bàn đầu là một em học sinh nhỏ thó, gầy gò, đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi. “Trong tiết dạy, tôi liên tục động viên Ân làm bài, nhưng con không giao tiếp mà chỉ nằm ra bàn. Hỏi các bạn học sinh khác mới biết con là học sinh khuyết tật bị bệnh xương thủy tinh, giờ học nào con cũng nằm như vậy. Nhìn Ân rồi nhìn các trò khác tung tăng chơi đùa trong lòng tôi trào dâng một niềm thương cảm, xót xa. Tôi liên tưởng tới con mình được chăm chút, nâng niu còn Ân chỉ như một con cá nhỏ không có nước, có lẽ con cũng đau đớn lắm…” – cô giáo Băng nhớ lại.
Cô giáo Vương Tuyết Băng chụp cùng Nguyễn Hoàng Ân trong lần tới thăm nhà cậu học trò. Ảnh: Đặng Thủy
Là một giáo viên lâu năm, cũng từng giúp đỡ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có lẽ chưa có trường hợp nào khiến cô Băng đau đáu như thế. Ý nghĩ vụt lóe trong đầu cô rằng mình có thể đồng hành giúp cậu học trò này đã nhanh chóng biến thành hành động. Ngay chiều hôm đó, cô giáo Băng tìm đến nhà Ân. Đứng trước ngôi nhà tạm được dựng trên đất ruộng, biết hoàn cảnh gia đình con rất khó khăn, mẹ Ân và em gái cũng bị bệnh như Ân, thu nhập của gia đình chỉ trông cậy vào tiền thu gom ve chai và tiền trợ cấp của phường, cô giáo Băng càng thấy thương con hơn. Với suy nghĩ “Chỉ có con đường học tập thì con mới có kiến thức để nâng cao sức khỏe cũng như có một tương lai tươi sáng hơn”, cô giáo Băng đã quyết định sẽ đồng hành giúp Ân vượt qua khó khăn, bệnh tật bằng cả trách nhiệm của người thầy và tình yêu thương của người mẹ.
Để có thể giúp Ân, việc đầu tiên cô Băng làm là xin Ban giám hiệu nhà trường cho Ân chuyển sang học lớp 2C do mình làm chủ nhiệm, xin bố mẹ Ân cho con ăn bán trú tại trường bởi chỉ có như thế chị mới có điều kiện chăm chút, dạy dỗ cho con. Nhưng mọi chuyện không dễ như chị nghĩ.Nhà trường tạo điều kiện, nhưng Ân lại không muốn chuyển lớp và gia đình con cũng không muốn con ăn bán trú ở trường vì cho rằng sức khỏe của con như thế học được đến đâu thì học. Vậy là chị lại phải tỉ tê, động viên Ân, thuyết phục bố mẹ Ân bằng cách xin nhà trường miễn tiền ăn bán trú cho con. Sau hơn một tuần kiên trì thuyết phục, khi bố mẹ Ân đồng ý, chị đã ngay lập tức lên kế hoạch cụ thể để giúp đỡ con.
Đầu tiên chị điều tra để nắm tình hình sức khỏe và năng lực học tập, tiếp đến là tìm hiểu về căn bệnh mà Ân mắc để tìm kiếm giải pháp tăng sức khỏe, phòng bệnh cho Ân. Không chỉ tìm hiểu các thông tin trên mạng, chị còn nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Khi đã có những kiến thức cơ bản về bệnh xương thủy tinh, biết là bệnh này hiện tại chưa có thuốc chữa trị... mà chỉ có thể cải thiện bằng tập luyện và bổ sung dinh dưỡng nên hằng ngày ngoài bữa chính ở trường chị còn cho con ăn thêm các loại bánh, sữa, quả giàu can-xi vào bữa phụ. Buổi chiều sau giờ tan học, chị mượn xe ba bánh kèm con tập đi quanh sân trường, rồi hướng dẫn con tập vận động bằng cách leo cầu thang hoặc đi bộ quanh các khu vực của nhà trường.
“Thời gian đầu, tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì Ân sinh hoạt và ăn uống đều chưa có nề nếp. Cơ thể của Ân bị suy dinh dưỡng nặng, các món thịt cá, hoa quả, rau xanh hầu như con đều không biết ăn. Vậy nên cứ đến bữa ăn là tôi lại phải động viên, hướng dẫn con từ cách ăn, làm quen với các món mới. Biết Ân không mấy khi ngủ trưa, tôi rèn cho con nếp ngủ bằng cách nằm cạnh con rồi dỗ dành. Để con có cảm giác gần gũi, tôi thường ôm con vào lòng, cù nách để con cười, có khi còn cùng con vẽ chung một bức tranh… Để có nhiều thời gian dành cho Ân, tôi đã động viên học sinh lớp mình giúp cô bằng cách phải tự giác ăn uống, học tập, dặn các con khi chơi cùng tránh va chạm sao cho Ân không bị ảnh hưởng… Rất may và các con hiểu chuyện và biết chia sẻ nên tôi có nhiều thời gian cho Ân” – cô giáo Băng chia sẻ.
Sau một thời gian ngắn khi sức khỏe của Ân đã được cải thiện, chị lại bắt đầu lên kế hoạch kèm cặp lấy lại kiến thức và sự tự tin cho con. Chị tranh thủ những khoảng thời gian ít ỏi của mình để vực lại kiến thức lớp 1 cho Ân. Biết Ân mặc cảm và ngại học, cô giáo Băng thường bắt đầu với những câu hỏi, những phép tính rất dễ, khích lệ, tạo niềm tin về năng lực học tập của con bằng những lời khen, những điểm 10. Biết con rất thích sắp xếp tủ sách truyện của lớp nên chị dùng sở thích của con để dạy cộng trừ có nhớ cho Ân... Ngoài việc dạy đọc, viết, làm toán, chị còn mua thêm truyện để rèn đọc cho con, rèn cả cho con cách cầm bút, cách viết từng con chữ…
Khi Ân đã thích học và nắm được cơ bản kiến thức lớp 1, cô giáo Băng bắt đầu nâng dần yêu cầu về toán, đọc và chữ viết của lớp 2 nhưng với mức độ nhẹ. Ngoài ra, chị còn cho con xem những đoạn clip nói về sự nỗ lực vượt khó để thành công của trẻ em khuyết tật, để con thấy rằng có thể làm được điều mình muốn khi nỗ lực hết sức và có quyết tâm cao…
Mong mùa quả ngọt
“Mình có tâm, ắt sẽ được đền đáp”. Niềm tin ấy của cô giáo Băng quả thực đã trở thành hiện thực. Chỉ sau một học kỳ, cả thể lực, sinh hoạt và học tập của Ân đã có một sự thay đổi rõ rệt. Từ chỗ chỉ biết ăn mỗi cơm rang, Ân đã biết ăn rau, thịt, cá, hoa quả, uống sữa. Từ chỗ đến trường chỉ nằm bò ra bàn, Ân đã nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin giao tiếp và hợp tác với các bạn. Từ chỗ ốm yếu, bị gẫy xương tới 6 lần thì trong năm học lớp 2 Ân chỉ 2 lần bị sốt nhẹ do viêm họng, còn không gãy xương lần nào. Về học tập, Ân cũng có tiến bộ vượt bậc (trong bài kiểm tra cuối năm, môn toán đạt điểm 10 trừ, môn tiếng Việt đạt điểm 7, các môn khác đều hoàn thành). Đó là niềm vui lớn nhất đối với cô giáo Tuyết Băng.
Giờ thì cậu bé Ân đã trở thành học sinh lớp 5, dẫu hai năm qua không dạy con nữa nhưng cô giáo Băng vẫn dõi theo Nguyễn Hoàng Ân với tất cả sự yêu thương lo lắng của người mẹ. Chị gửi gắm con cho các cô giáo lớp trên, nhờ cả cô học trò cũ của mình là Nguyễn Thị Thắm (nay cũng là giáo viên) kèm cho con học tiếng Anh miễn phí. Thi thoảng chị còn đưa con tới nhà mình để kèm cặp hoặc lúc rảnh rồi chị lại ghé qua nhà động viên, khuyến khích con.
Cô giáo Tuyết Băng chia sẻ, chị hạnh phúc khi thấy Ân thay đổi nhưng vẫn còn bộn bề lo lắng cho tương lai của con. “Trước mắt, dịp hè này tôi sẽ sắp xếp thời gian kèm cho Ân kiến thức lớp 5 để con có thêm nền tảng khi chuyển cấp. Còn về lâu dài, tôi cũng động viên con cố gắng học tập để có nghề kiếm sống… Tôi có con trai út đang học Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nên tôi cũng hi vọng sau này con có thể dạy và giúp đỡ Ân thêm. 3 năm nữa là tôi sẽ về hưu, nếu sức khỏe cho phép tôi sẽ mở một lớp học tình thương miễn phí cho những người có hoàn cảnh như Ân. Tôi hi vọng ngọn lửa yêu thương mà tôi đã trao sẽ luôn cháy mãi trong các học trò của mình” – cô giáo Tuyết Băng chia sẻ.
Trong căn nhà tạm đơn sơ, chị Đỗ Thị Hưởng, mẹ của Hoàng Ân xúc động khi nhắc tới sự thay đổi của con mình. “Gia đình tôi biết ơn cô Băng nhiều lắm, nếu không có cô giáo thì chắc con tôi không có ngày hôm nay” – chị Hưởng bộc bạch. Còn cậu học trò Nguyễn Hoàng Ân khi được hỏi về cô giáo cũ của mình vẫn nhớ như in những kỷ niệm năm nào khi được cô rèn cặp: “Cô Băng rất thương con, cô không chỉ dạy con học tiến bộ mà còn dạy con cả những kiến thức trong cuộc sống. Con hứa sẽ học tập tốt hơn để không phụ lòng cô”- Hoàng Ân bày tỏ.
Tạm biệt cô trò cậu bé Hoàng Ân ra về, tôi lại chợt nhớ tới lời của chị Nguyễn Thị Thanh Vy, chuyên viên Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm, người từng có thời gian công tác gắn bó cùng cô giáo Băng: “Khi biết những việc làm giản dị mà giàu lòng nhân ái của cô Băng dành cho trò Ân, tôi rất cảm động, trân trọng và muốn chia sẻ lan tỏa tấm gương của cô với mong muốn việc làm thật ý nghĩa ấy luôn đem đến cái nhìn ấm áp của xã hội với nghề trồng người”.