Nhà ống không có lối thoát hiểm: Nguy cơ tử vong cao khi xảy ra cháy nổ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:53, 08/04/2021
Theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCXDVN 353:2005, việc xây dựng nhà liền kề hoặc đơn lẻ, đặc biệt ở đô thị cần phải tuân thủ yêu cầu về khoảng lùi từ 2 - 2,5m, đề phòng nguy cơ cháy nổ.
Nhưng do việc thực hiện quy định chưa thực sự nghiêm ngặt dẫn đến những sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhiều vụ cháy vừa xảy ra, trong đó có vụ cháy để lại hậu quả tang thương tại căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) mới đây chính là hồi chuông cảnh báo về hậu quả của việc không thực hiện nghiêm tiêu chuẩn xây dựng.
Duy nhất cửa ra vào là lối thoát nạn
Chỉ trong ít ngày qua, trên phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa xảy ra liên tiếp hai vụ cháy. Vụ cháy đầu tiên xảy ra rạng sáng 4/4 tại căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng khiến 4 người tử vong, trong đó có một phụ nữ đang mang thai.
Theo thông tin từ UBND quận Đống Đa, đây là ngôi nhà hình ống, cao 3 tầng, 1 tum, có mái lợp tôn hàn sắt, diện tích mặt sàn mỗi tầng khoảng 60m2, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính.
Dù là nhà ở mặt phố lớn, xe cứu hỏa, các phương tiện, lực lượng cứu hộ cứu nạn (CNCH) khá dễ dàng triển khai công tác từ mặt trước nhưng cũng phải hơn 3 giờ mới dập tắt được đám cháy. Và chờ thêm khoảng 1 giờ phun nước làm mát, hạ sức nóng tại hiện trường vụ cháy mới có thể tiếp cận vào trong ngôi nhà để tìm thấy 4 thi thể tại tầng tum. Vụ cháy thứ hai xảy ra khoảng 13 giờ ngày 5/4 tại ngõ Thịnh Hào 3, đường Tôn Đức Thắng, rất may không xảy ra thiệt hại về người.
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện nay, trên toàn TP có khoảng 70% nhà ở dạng ống và hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. “Vì vậy, công tác CNCH ở những nơi xảy cháy là nhà dạng ống, bịt lồng sắt thường gặp nhiều khó khăn, mất thời gian tiếp cận” – đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho hay.
Trung tá Phạm Văn Sơn - Trưởng Công an phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ở đô thị, nhu cầu về kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh. Trong quá trình kinh doanh, các hộ gia đình đều lắp biển quảng cáo. Nhưng điều đáng nói, không phải hộ gia đình nào cũng chấp hành đúng quy định về việc lắp đặt biển quảng cáo. Trong khi đó, biển quảng cáo được làm chủ yếu bằng nhựa, mica, lắp đặt số lượng lớn bóng đèn led trên một diện tích nhỏ nên nhiệt lượng tỏa ra, công suất tiêu thụ điện năng rất lớn dễ gây ra cháy. Biển quảng cáo hầu hết được thiết kế ở ngoài trời nên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dây dẫn, phần bảo vệ đèn bị hỏng dẫn đến chập điện.
“Việc lắp đặt biển quảng cáo không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định về chiều cao, chiều rộng, chất lượng không đảm bảo cũng biến thành nguy cơ gây cháy nổ cao. Một khi xảy ra sự cố, lực lượng PCCC rất khó khăn để tiếp cận xử lý phía bên trong do vướng phần khung sắt” – Trung tá Phạm Văn Sơn chia sẻ.
Xây dựng không đúng tiêu chuẩn
Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam viện dẫn, Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCXDVN 353:2005 quy định khoảng lùi công trình là khoảng cách giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng. Khoảng lùi công trình so với lộ giới đường quy hoạch được quy định trong đồ án quy hoạch thiết kế đô thị, tùy thuộc vào tổ chức quy hoạch không gian kiến trúc, chiều cao công trình, chiều rộng lộ giới và phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương.
“Thực tế thì khoảng lùi của công trình nhà ở riêng lẻ theo quy định có thể lùi ở khoảng đất phía trước hoặc khoảng đất phía sau nhà. Nhưng thời gian qua, việc xây dựng nhà ở riêng lẻ, đặc biệt tại các đô thị do đất chật người đông, quy định này bị lãng quên và cho rằng không phù hợp” – luật sư Hoàng Văn Đạo cho hay.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế & Xây dựng Top Design, KTS Trần Tuấn Anh cho biết, việc xây dựng nhà liền kề tại đô thị hiện nay nảy sinh bất cập lớn, đó là chỉ có cửa ra vào theo một hướng. Trong nhà cũng không được thiết kế thang bộ dự phòng để thoát hiểm nên khi xảy ra sự cố cháy nổ việc thoát hiểm trở nên khó khăn, phức tạp, đặc biệt với đám cháy ở phía cửa ra vào lại càng nguy hiểm hơn.
“Nhà ở liền kề tại đô thị do hạn chế về diện tích, lại được cấp phép xây dựng với mật độ 100% nên các gia đình đều xây hết đất mà không để lại một khoảng lùi để làm thang thoát hiểm khi có sự cố xảy ra” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận; đồng thời cho rằng, qua một số sự cố đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng nên xem xét siết chặt hơn quy định khi cấp phép xây dựng cho công trình nhà ở liền kề liên quan đến khoảng lùi.
Còn đối với những công trình đã xây dựng, đưa vào sử dụng hàng chục năm nay, việc yêu cầu phải có thêm khoảng lùi là bất khả thi. Nhưng những hộ gia đình sinh sống trong những ngôi nhà này mà đang cho thuê kinh doanh (hoặc tự kinh doanh buôn bán) cần phải hết sức chú ý đến việc lắp đặt biển quảng cáo sai quy định, làm cản trở hoạt động CNCH khi cháy nổ và bổ sung thêm thang bộ, cửa thoát hiểm.
“Hầu hết công trình nhà liền kề ở đô thị được xây dựng san sát nhau. Để đảm bảo an toàn các gia đình đều xây dựng lắp đặt kín phần mái nhà, không bố trí cửa thoát hiểm. Vì vậy, theo tôi cần thiết kế thêm cửa thoát hiểm trên mái và thang bộ, phòng trường hợp sự cố xảy ra có thể thoát hiểm theo lối này” – KTS Trần Tuấn Anh cho biết thêm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã chủ trì họp với các Bộ: Công an, TN&MT, KH&ĐT... thống nhất giải pháp cắt giảm thời gian làm thủ tục cấp phép xây dựng công trình. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an và Bộ Xây dựng thống nhất nghiên cứu quy chế phối hợp, lồng ghép thủ tục về PCCC công trình với thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng. "Tự phát hiện cháy hiện nay không khó, bởi thiết bị báo cháy, báo khói rất đa dạng và không đắt tiền. Mỗi người dân, đặc biệt cơ sở kinh doanh kết hợp nơi ở nên lắp đặt trong gia đình, nơi bán hàng để kiểm soát, phát hiện cháy. Mỗi người dân đều phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC, vì trong luật đã quy định đây là trách nhiệm của toàn dân. Muốn xử lý được kịp thời các vụ cháy, cần phải có phương tiện chữa cháy, tức là bình cứu hỏa để dập lửa ngay khi còn là đốm nhỏ." - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội, Thượng tá Phạm Trung Hiếu "Có một thực tế là tại các khu dân cư hiện nay do đường quá nhỏ, khiến việc cứu hỏa, cứu nạn bị chậm trễ hoặc do thiết kế không đúng khi xảy ra cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường. Chính vì vậy, khi quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình nhà ở, kể cả nhà ở riêng lẻ cũng cần đảm bảo tiêu chí phòng, chống cháy nổ." - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn |