Nghề múa và tuyên giáo đều thành danh

Văn học - Nghệ thuật - Ngày đăng : 05:11, 18/10/2022

Alô, Mạnh Cường đấy à, anh Mạnh Hà đây! Tối nay Hội diễn múa toàn quốc khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Có giấy mời cho hai em đây, đi xem nhé? Anh và chị Xuyến chờ hai em ở cửa lúc mười chín giờ mười lăm!
Nghề múa và tuyên giáo  đều thành danh
NSƯT Nguyễn Mạnh Hà

Tôi nhiều lần nhận được những cuộc gọi vui như thế của anh Nguyễn Mạnh Hà - Nghệ sĩ Ưu tú, biên đạo múa, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội. Những lần anh rủ đi xem, lúc thì chương trình ca múa nhạc, lúc thì một vở kịch nói đều làm vợ chồng tôi hứng thú được thưởng thức nghệ thuật sau một ngày lao động nghề nghiệp và được nghe anh trò chuyện cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn và bổ ích.
Năm 1965, anh Nguyễn Mạnh Hà được Tổng cục Chính trị cử vào Khu IV hoạt động nghệ thuật phục vụ chiến sĩ và nhân dân vùng tuyến lửa, được thử thách lòng dũng cảm trong những chuyến đi biểu diễn và sáng tác, đến tận nơi chiến sự ác liệt. Giữa sự sống và cái chết, anh đã dũng cảm vượt qua, trưởng thành một biên đạo múa có nhiều tác phẩm gần với đời sống chiến sĩ ngoài mặt trận. Bằng tư duy sáng tạo nghệ thuật làm tái hiện trên sân khấu hình tượng quân và dân Khu IV kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Dịp Tết Nguyên Đán năm 1967, anh mang ba lô đi bộ hơn 1500km từ Nam Đàn, Nghệ An, theo đường Trường Sơn vào Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải vào tỉnh Quảng Trị thâm nhập bộ đội chiến đấu. Trái tim nghệ sĩ trong anh rung động trước dòng sông Bến Hải xanh trong sau 14 năm hai miền Nam Bắc bị chia cắt. 
Hàng loạt tác phẩm của anh lần lượt ra đời từ năm 1965 đến năm 1975, với các thể loại từ múa một người, múa hai người, ba người, múa tập thể, tổ khúc múa, thơ múa. Đề tài các tác phẩm bám sát nhiệm vụ chính trị của quân đội, sử dụng chủ yếu chất liệu múa dân gian. Mỗi thời kỳ cách mạng, anh đều có những tác phẩm múa phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phản ánh cuộc chiến lúc khó khăn có: “Đi bắn bia”, “Chiến công bên bếp lửa”, “Tiếng hát mầm xanh”… Xây dựng kinh tế trong thời bình có “Bài ca ánh sáng”. Trong quan hệ Việt - Lào có “Bài thơ cánh võng”. Loại hình múa dân gian có “Niềm vui người Tầy Hậy”. Miền Nam được giải phóng có “Chào Tổ quốc mùa xuân”… Các tác phẩm của anh đều được đưa vào chương trình chính thức phục vụ kịp thời đồng bào và chiến sĩ tuyến lửa. 
Thơ múa “Tiếng hát mầm xanh” được hình thành từ một lần anh ra đảo Cồn Cỏ, nhìn thấy gốc cây thấm máu, nơi người chiến sĩ trinh sát anh hùng Thái Văn A trèo lên quan sát máy bay, đã bị bom Mỹ cắt cụt chỉ còn trơ gốc. Từ gốc cây trụi lá, đã nẩy những mầm xanh non tơ. Câu thơ của Tố Hữu vang lên trong tim nhà biên đạo, ngấm vào tiềm thức để sáng tạo nên những ngôn ngữ động tác, tạo hình và tuyến đội hình cho thơ múa “Tiếng hát mầm xanh”:
“Kỳ lạ thay nơi cháy lửa Na pan/ Trụi lá cây rừng hạt lúa thành than/ Lại là đất xanh tươi cuộc sống/ Và xanh nhất màu xanh hy vọng/ Nơi hố bom đang thét lớn căm hờn/ Vẫn những nụ cười ca hát, yêu thương…”.
Sau hơn 2 tháng lên miền Tây tỉnh Nghệ An, biên đạo Nguyễn Mạnh Hà sáng tác điệu múa “Niềm vui người Tầy Hậy”. Đây là tác phẩm đứng vững lâu bền nhất, kết quả của nhiều ngày khắc khổ lăn xả vào thâm nhập cùng ăn, cùng ở, cùng lao động và trò chuyện, múa hát với đồng bào dân tộc Tầy Hậy. 
Trong 16 năm hoạt động ở tuyến lửa khu IV, cùng với những đóng góp trong biểu diễn, sáng tác và đảm trách Đoàn phó chỉ đạo Nghệ thuật, biên đạo Nguyễn Mạnh Hà đã góp công lớn trong việc đào tạo đội ngũ diễn viên múa của Đoàn văn công Quân khu IV trưởng thành những nghệ sĩ vừa hồng, vừa chuyên. Sau chiến tranh, Đoàn văn công Quân khu IV có điều kiện tham gia Hội diễn toàn quốc ở Hà Nội, 2 tác phẩm múa “Bài ca cánh võng” và “Niềm vui người Tầy Hậy” của biên đạo Nguyễn Mạnh Hà đã được tặng Huy chương Vàng.
Nguyễn Mạnh Hà đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, khi mới 14 tuổi, anh gia nhập Đội Tuyên truyền xung phong của huyện bộ Việt Minh Thanh Thủy, Phú Thọ. Các tiết mục hát, múa và kịch tự biên phản ánh kịp thời không khí kháng chiến. Đội tuyên truyền nhiều lần biểu diễn sát bên đồn giặc Pháp ở Thạch Đồng. Chúng phát hiện và truy bắt, các anh được nhân dân che chở đã thoát vòng vây giặc. Tròn 16 tuổi, Mạnh Hà được cử làm Đội phó, rồi Đội trưởng đội Văn công tỉnh đội Phú Thọ. Đầu năm 1954, Chính ủy tỉnh đội giao cho anh nhiệm vụ xây dựng chương trình tham gia hội diễn toàn quân lần thứ nhất tại Việt Bắc. Lúc này, lòng dũng cảm và tình yêu nghệ thuật cùng trỗi dậy, với quyết tâm thử sức sáng tác đầu tiên. Điệu múa “Chúc rượu” được anh sử dụng ngôn ngữ múa dân gian và âm nhạc phát triển làn điệu dân ca Phú Thọ. Điệu múa được tổ chức dàn dựng công phu, đã giành giải A tại hội diễn. Tiết mục được chọn biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Thành công đã tạo nên bước ngoặt sự nghiệp mới khi đoàn Văn công Tổng cục Chính trị điều động anh về làm diễn viên múa từ tháng 7 năm 1954. Ngày 10/10/1954, Nguyễn Mạnh Hà được về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Anh tham gia nhiều tiết mục lớn đi biểu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế. Năm 1957, anh tham dự Fetstival lần thứ VI ở Mátxcơva và cùng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn tại một số nước XHCN ở châu Âu, châu Á.
Nghề múa và tuyên giáo  đều thành danh
NSƯT Nguyễn Mạnh Hà (đứng cao hàng sau) và các nghệ sĩ múa chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau thành công chương trình biểu diễn nghệ thuật “Điện Biên thiên sử Vàng” kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2004)

Năm 1963, tại Hội diễn toàn quân, anh được tặng Huy chương Bạc vai ông già trong điệu múa “Sắc bùa”. Năm 1964, anh tham gia cùng đoàn nghệ sĩ múa quân đội sang Trung Quốc quay bộ phim nhựa vở kịch múa đầu tiên của Việt Nam “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” và năm 2000 được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. 
Năm 1980, về công tác tại cơ quan Chính trị thuộc Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Mạnh Hà chuyển qua một lĩnh vực hoạt động khác: Làm báo cáo viên chính trị. Anh là báo cáo viên của Trung tâm thông tin công tác Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Nhiều năm anh được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương khen thưởng là báo cáo viên xuất sắc với hơn 500 buổi truyền đạt, phục vụ hàng chục vạn người nghe mỗi năm. Anh được dư luận đánh giá là báo cáo viên “nói chuyện có duyên” với cách truyền đạt hấp dẫn khiến người nghe hâm mộ.
Những thông tin thời sự chính trị tưởng chừng khô khan đã được anh vận dụng phương pháp liên hệ thực tế phong phú và huy động đúng mức những hình ảnh sinh động, đẹp đẽ của nghệ thuật minh hoạ cho bài nói chuyện, làm hấp dẫn người nghe. Nhu cầu tiếp nhận thông tin thời sự chính trị ở Hà Nội rất lớn, nhất là các Hội cựu chiến binh, Đảng bộ các địa phương. Anh Mạnh Hà thực sự là người báo cáo viên thân thiết của đông đảo người nghe là bậc lão thành cách mạng, quân nhân và cán bộ cấp uỷ, đoàn thể nhân dân. Những cuộc báo cáo thời sự chính trị của anh luôn trở thành món ăn tinh thần cho người nghe thưởng thức một thứ nghệ thuật đậm màu thời sự chính trị, hoà trong cái đẹp lung linh truyền cảm của giọng nói người nghệ sĩ.
Mỗi tháng hai ngày, anh đều đặn đến Trung tâm thông tin Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tiếp nhận thông tin mới chính thống của Đảng và Nhà nước, rồi vận dụng hòa nhập thông tin phong phú đã tích lũy trong cuộc sống và bằng sự nhạy cảm của một tâm hồn nghệ sĩ, anh truyền đến người nghe bài nói hấp dẫn của mình.
Anh quan niệm lao động là một hành vi đạo đức, tựa như chiếc đèn của cuộc sống thường xuyên được rót thêm dầu và tư tưởng chính trị là mồi lửa thắp sáng nó lên. Quan niệm sống ấy bền chặt trong anh suốt hơn 70 năm hoạt động cách mạng. Có lần anh đến một điểm nóng về đền bù đất đai, thực hiện “ba cùng” với dân trong 6 ngày để hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau đó, được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp nghe anh báo cáo tình hình để có cách giải quyết cụ thể cho dân.
Từ năm 1991, anh trúng cử Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội ba khóa liền, là Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo. Liên tục nhiều khóa anh được bầu vào Ban chấp hành Đảng ủy phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), làm Trưởng ban Tuyên huấn phường, Bí thư Chi bộ, là đại biểu chính thức của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa 11 và 12.
NSƯT Nguyễn Mạnh Hà được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Quân kì Quyết thắng; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp múa Việt Nam; Bằng khen của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Bằng khen Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bằng khen của Thường vụ Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội. Sáu năm liền được tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt ” của Thành phố Hà Nội.
Nghề múa và tuyên giáo  đều thành danh
Múa “Niềm vui người Tầy Hậy”, biên đạo: Nguyễn Mạnh Hà (Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, năm 1985).

Đinh Mạnh Cường