Văn hóa Đảng nhìn từ hình tượng người chiến sĩ cộng sản
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:57, 08/04/2021
Tột cùng văn hóa là con người. Chiến sĩ cộng sản là một danh từ đẹp bởi nó tượng trưng cho tinh thần tận hiến vì lý tưởng nhân văn cao cả - giải phóng con người khỏi cường quyền áp bức để được sống trong tự do, bình đẳng, bác ái.
Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez đã viết bài thơ “Hồ Chí Minh - Tên Người là cả một niềm thơ”. Những đồng chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào văn học như một lẽ tự nhiên. Họ chính là một thế hệ kim cương trải qua lửa đỏ và nước lạnh của trường đấu tranh cách mạng. Họ biểu thị cho văn hóa Đảng trong thời kỳ lịch sử hiện đại.
Nhà hoạt động cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
Đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng, chiến tranh) đang phục hưng trên văn đàn những năm gần đây. Đặc biệt đáng quan tâm khi nhà văn đang cố gắng kéo lịch sử lại gần hơn với người đọc để nhằm tìm những câu trả lời quan trọng cho hiện tại. Thực tiễn sáng tác tiểu thuyết cho thấy nhận định trên đây của chúng tôi là có căn cứ. Hừng Đông (tiểu thuyết lịch sử, 2020) của Nguyễn Thế Kỷ, Người công giáo cộng sản (tiểu thuyết lịch sử, 2020) của Trần Việt Trung là những tác phẩm phản ánh, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước cao cả của các thế hệ người Việt Nam trải qua lửa đỏ và nước lạnh của thời đại bão tố cách mạng ở thế kỷ trước.
Phan Đăng Lưu – người cộng sản chân chính
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902 - 1941), một nhà hoạt động cách mạng tiền bối (Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, 1938), hiện lên trong tác phẩm Hừng Đông vừa với tư cách một đảng viên trung kiên, tài giỏi trong hoạt động cách mạng, vừa là một con người cụ thể, sinh động trong mối quan hệ mật thiết với gia đình, quê hương, đồng bào, đồng chí. Miêu tả nhân vật Phan Đăng Lưu, tác giả luôn chú trọng đến mối quan hệ máu thịt của người cộng sản với nhân dân lao động, với tập thể các chiến sĩ cách mạng cùng thời như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn...Vì thế tác phẩm vừa có cái toàn cảnh lịch sử vừa có cái cận cảnh theo yêu cầu của nghệ thuật tiểu thuyết lịch sử. Nghĩa là, lịch sử là cái “toàn cảnh” (biến cố, sự kiện, nhân vật), con người là nhân chứng (“cận cảnh”). Nhưng khi viết cái cận cảnh, yêu cầu của sáng tạo văn học là đi vào thế giới nội tâm nhân vật. Nếu cái toàn cảnh đòi hỏi tác giả trung thành với lịch sử thì cái cận cảnh cho phép nhà văn có thể/ có quyền hư cấu trên cơ sở trí tưởng tượng phong phú của mình. Về phương diện phẩm chất người cộng sản, đồng chí Phan Đăng Lưu thuộc thế hệ: Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai /Là thân sống chỉ coi còn một nửa (Tố Hữu). Dấu chân đồng chí đã in khắp từ Bắc chí Nam và cả ở nước ngoài, đã từng vào tù... Vượt lên trên tất cả các thử thách khắc nghiệt nhất của hoàn cảnh, đồng chí luôn kiên trì với xác tín “dĩ công vi thượng”, lấy lý tưởng Đảng và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử Hừng Đông viết về nhà hoạt động cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu
của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.
Nhưng nếu thiếu đi cái riêng, cái cá thể hóa thì tiểu thuyết Hừng Đông cũng chỉ dừng lại tư liệu – lịch sử, khó bề nhập vào địa hạt văn học. Người đọc khi đó chỉ cần tìm hiểu nhân vật lịch sử Phan Đăng Lưu qua hồ sơ lưu trữ quốc gia. Người đọc sở dĩ hào hứng tiếp nhận tác phẩm này vì tác giả đã xây dựng thành công một nhân vật người trí thức – người cộng sản chân chính, đồng thời tìm thấy ở nhân vật này những nét rất người, dễ gần gũi, chia sẻ và cảm thông. Cái riêng tư của nhân vật Phan Đăng Lưu thể hiện qua tình nghĩa tào khang với người vợ hiền thục, chung thủy, tần tảo - chị Danh. Chị là người phụ nữ/ người vợ truyền thống (tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh), là người mẹ của hai con ngoan, chị có cái phẩm tính quý báu “vượng phu ích tử” mà cổ nhân thường tụng ca. Cái riêng tư của Phan Đăng Lưu khiến người đọc quan tâm thích thú là cái thế giới nội tâm phong phú của một con người hoàn thiện nhân cách. Ở nhân vật này, những suy cảm về đời sống trĩu nặng tâm tình về gia đình, quê hương, đồng bào, đồng chí. Những đoạn trữ tình ngoại đề trong tác phẩm đã thực sự lôi cuốn người đọc: “Phan Đăng Lưu trở về quê nhà Yên Thành vào giữa mùa hè. Cánh đồng đã gặt xong, lúa phơi vàng trên những mảnh sân, con ngõ. Gió phơn Tây Nam mà người dân quê anh gọi là gió Lào, thổi rạt những bờ tre, mái rạ. Dẫu vậy, Lưu vẫn cảm nhận trong đó có hương vị quá đỗi thân thuộc của thân cây lúa mới bị cắt bông, mùi chua chua của bùn đất và tiếng ve râm ran. Những thứ ấy, là cả một gia tài quý giá cho một người vừa thoát ra khỏi chốn lao tù cùng cực. Những ngày bị giam, lạ thay, thứ mà anh nhớ nhất lại là những ngọn khói. Bếp ở quê anh chủ yếu đun bằng rơm rạ. (...). Phan Đăng Lưu nhớ khuôn mặt đỏ rực, bụi tro hòa lẫn những giọt mồ hôi của mẹ, khi đứng bên bậu cửa, tay cầm chiếc đũa cả còn dính mấy hạt gạo ướt. Trong bếp đã có mùi thơm thơm của cơm bén nồi, của cá kho tương với khế lẫn mùi của một ít hạt thóc lép cháy cùng với rơm rạ”. Đó là mạch trữ tình chảy thành dòng ngầm trong tác phẩm khiến cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về một nhân vật có thật trong lịch sử Đảng trở nên mềm mại, cuốn hút người đọc.
Trần Tử Bình – một nhân cách toàn vẹn
Thiếu tướng Trần Tử Bình.
Đồng chí Trần Tử Bình (1907 - 1967, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948, ở Thủ đô Hà Nội có phố Trần Tử Bình) là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Người công giáo cộng sản. Người đọc như được sống lại một thời kỳ bão táp cách mạng, như được kề vai sát cánh cùng chiến hào với những người chiến sĩ cộng sản. Nhân vật Trần Tử Bình được miêu tả từ lúc sinh ra, lớn lên, tham gia hoạt động cách mạng, trưởng thành theo trình tự thời gian. Khi viết, tác giả chú trọng đặt nhân vật chính trong một không gian - thời gian có tính chất địa - chính trị và địa - văn hóa. Quê hương nơi đồng chí Trần Tử Bình sinh ra, lớn lên là vùng công giáo thuộc phủ Lý Nhân xưa (sau đổi tên thành tỉnh Hà Nam, dưới thời vua Thành Thái). Đây là vùng nông thôn chiêm trũng, nghèo khó. Nhưng kỳ lạ thay, như một nghịch lý, chính những nơi nghèo khó nhất thường sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt. Gia đình đồng chí Trần Tử Bình theo đạo trong một làng (có tên Đồng Chuối) công giáo toàn tòng. Chúng ta biết, nơi sinh ra một con người có ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành sau này (về nhãn quan, về nhân cách, về lối sống, cao hơn là văn hóa ứng xử). Người công giáo có đức tin mạnh mẽ về lẽ phải, sự công bằng và sống thanh sạch theo giáo lý. Tất cả các nhân tố tốt đẹp của một không gian văn hóa như thế hun đúc nên những phẩm chất cần thiết để cho cậu bé Phạm Văn Phu (sau này khi tham gia hoạt động cách mạng có bí danh là Trần Tử Bình) hình thành và phát triển một nhân cách toàn vẹn.
Cuốn tiểu thuyết lịch sử Người công giáo cộng sản viết về Thiếu tướng Trần Tử Bình
của tác giả Trần Việt Trung.
Tác giả đã chú ý đến những “bước ngoặt” trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Tử Bình, bắt đầu từ phần III (bước ngoặt). Tiểu thuyết thường viết về cả quá trình của một đời người, với những “điểm nhấn của số phận”, nơi khúc xạ lịch sử trong những thăng trầm của nó. Nhưng nhà văn cần dừng lại ở những điểm độc sáng. Có thể nói, đây là một tiểu thuyết về “lịch sử và nhân chứng” của một thời kỳ đáng nhớ trong tiến trình đấu tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Nương theo tinh thần này, tác giả không chỉ chú trọng tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng mà còn quan tâm đến các nhân chứng lịch sử, vì chỉ có thông qua những con người cụ thể thì lịch sử mới được phục dựng một cách sinh động, đầy đủ, soi sáng đến từng chi tiết. Nếu Trần Tử Bình là nhân vật trung tâm thì có một “từ trường” lớn do nhân vật tạo nên, trong đó xuất hiện một cách trung thực các nhân vật khác như Ngô Gia Tự, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu, Trần Quang Huy, Nguyễn Bình, Lê Thiết Hùng,...Trần Tử Bình là một nhân vật - người anh hùng trong ý nghĩa đích thực của từ này là vì được đặt trong (và giữa) một tập thể anh hùng, vì không ai có thể một mình làm nên sự nghiệp.
Người ta thường nói “đằng sau một người đàn ông thành công có bóng hình một người phụ nữ”. Điều ấy giản dị như chân lý. Quê hương, gia đình, người thân và các mối quan hệ dòng tộc, đồng bào, đồng chí,... đã tạo nên chất keo kết dính nhân vật điển hình với hoàn cảnh điển hình. Trong sợi dây bền chặt của nhân vật chính Trần Tử Bình với hoàn cảnh, thiết nghĩ, người vợ là một điểm sáng rỡ. Bà Nguyễn Thị Hưng là người vợ, người đồng chí gắn bó keo sơn với Trần Tử Bình, như một cặp “song kiếm hợp bích”. Ai bảo phụ nữ chỉ biết tề gia nội trợ, chỉ cần công dung ngôn hạnh như một lẽ thường tình tạo hóa ban phước? Bà Nguyễn Thị Hưng đã tham gia hoạt động cách mạng từ sớm ở Hưng Yên. Sau 1957, bà công tác tại Bộ Ngoại thương trong vị trí chánh thanh tra bộ. Bà đã sinh hạ và nuôi nấng chu toàn tám người con (sáu trai hai gái, Trần Việt Trung là con út trong gia đình). Bà Nguyễn Thị Hưng “một tay chèo lái” (như tiêu đề mục đầu của phần XVI), sau ngày đồng chí Trần Tử Bình ra đi vĩnh viễn. Bà đã mất ngủ sáu tháng liền với bao nỗi tiếc thương khôn nguôi người bạn đời, vừa lo toan gánh vác gia đình trong thời buổi khó khăn khi chiến tranh đang vào thời kỳ ác liệt, kinh tế eo hẹp ngặt nghèo. Bà Nguyễn Thị Hưng là một tấm gương kiên cường vượt khó, vừa xây tổ ấm vừa phụng sự công việc chung. Năm 1991, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Bà mất ngày 25/8/1993. Thiết nghĩ, nếu thiếu đi những trang viết xúc động về bà Nguyễn Thị Hưng, tiểu thuyết sẽ bị khuyết đi một mảng lớn.