Tăng đại biểu chuyên trách - xu hướng phù hợp thực tiễn

Tin tức - Ngày đăng : 08:07, 12/04/2021

Tăng số lượng đại biểu (ĐB) chuyên trách là một trong những yêu cầu đặt ra để hoạt động của cơ quan dân cử chuyên nghiệp hơn, tập trung hơn, bởi ĐB phải là hạt nhân của Quốc hội, HĐND, phải toàn tâm cho nhiệm vụ.
Đó là quan điểm được TS Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên.
Làm cả hai vai tự dưng “quá sức”
Từng gắn bó với các hoạt động tại Quốc hội, ông đánh giá thế nào về vai trò của ĐB chuyên trách đối với hoạt động của cơ quan dân cử hiện nay?
- Quốc hội có ba nhiệm vụ quan trọng là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Đó là những vấn đề rất lớn cử tri đã ủy quyền cho ĐB và phải chuyên tâm mới hoàn thành được.
Về quy định chung thì không phân biệt vai trò của ĐB chuyên trách hay không chuyên trách, nhưng thực tế, vai trò của ĐB chuyên trách rất quan trọng, có thể coi là chính khách khi họ dành toàn bộ thời gian cho hoạt động tại Quốc hội. Hơn nữa, khi lựa chọn ứng viên cho ĐB chuyên trách, các cơ quan, tổ chức, Ủy ban bầu cử cũng đã hướng tới năng lực, sở trường của mỗi người. Khi người ĐB dành thời gian vật chất, năng lực của bản thân, rõ ràng ĐB chuyên trách có vai trò lớn góp phần giúp Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ.
Một điểm mới rất được chú ý trong cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa tới là việc tăng tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách tăng lên tối thiểu 40%, đây chính là điều kiện quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thưa ông?
- Dù đó chỉ là một yếu tố để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhưng đó là một tỷ lệ rất tốt. Cuộc bầu cử lần này có những điều chỉnh rất quan trọng về số lượng ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người ứng cử nói chung và người ứng cử ĐB chuyên trách nói riêng cũng được siết chặt hơn. Đây là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới.
Tuy số lượng tổng ĐB được bầu giữ nguyên như các nhiệm kỳ trước nhưng tỷ lệ ĐB Quốc hội chuyên trách theo quy định mới của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020 sẽ tăng thêm 5%, tức có tối thiểu 40% tổng số ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách, tương đương khoảng 200 ĐB. Quy định này tác động rất mạnh đến công tác chuẩn bị bầu cử, đặc biệt là chuẩn bị về nhân sự ứng cử, từ khâu quy hoạch đến lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Như tôi đã nói, đây là xu hướng tất yếu, bởi trong những nhiệm kỳ gần đây, Quốc hội đã đổi mới rất mạnh mẽ về tổ chức, phương pháp làm việc, đặc biệt là nhiệm kỳ XIV này, đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc chuyển mạnh từ Quốc hội tham luận là chủ yếu sang Quốc hội tranh luận. Theo tôi, Quốc hội cần có những ĐB hoạt động chuyên trách, dành toàn tâm, toàn ý, toàn thời gian và được trang bị những kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ ĐB. Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội.
Thực tiễn cũng cho thấy, việc điều chỉnh như vậy là hợp lý, bởi ĐB kiêm nhiệm, nhất là ĐB đang làm việc tại các cơ quan hành chính, nắm giữ cương vị chủ chốt tại các cơ quan này, thường xuyên phải xử lý khối lượng công việc lớn hàng ngày, hàng giờ, không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động của Quốc hội.
Bởi hành pháp và lập pháp đều là cơ quan Nhà nước, có tính chất, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Vì giỏi đến mấy nhưng một người nếu dành toàn tâm vào một nhiệm vụ sẽ tốt hơn, nếu như làm cả hai vai tự dưng “quá sức”. Cho nên nếu làm một vai nhưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn hiệu quả hơn. Do đó, việc giảm tối đa những người giữ trọng trách trong cơ quan hành pháp và tư pháp, mà dành “ghế” đó cho ĐB chuyên trách, dành toàn thời gian và vật chất lo cho lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật.
Số lượng phải đi kèm chất lượng
Vậy theo ông, đâu là những tiêu chí, tiêu chuẩn ĐB Quốc hội chuyên trách cần có để làm tốt nhiệm vụ được giao phó?
- Cùng với tăng số lượng, chất lượng ĐB Quốc hội chuyên trách rất quan trọng để tạo ra sự chuyển biến thật sự trong hoạt động của Quốc hội. Ngoài các tiêu chuẩn chung đối với người ĐB dân cử, ĐB Quốc hội chuyên trách là những người có kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, pháp luật, có những năng lực và phẩm chất của một chính khách chuyên nghiệp. Đồng thời cần có hiểu biết sâu, tầm nhìn rộng về chủ trương, chính sách phát triển đất nước, am hiểu thực tế hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trước hết là hoạt động của Quốc hội, có khả năng phát hiện những vấn đề trong thực tiễn thực thi chính sách pháp luật.
Hơn thế nữa, tôi rất quan tâm đến một “tiêu chuẩn”, đó là sự tự nguyện. Có người đã ví, làm ĐB Quốc hội như người đi múc nước ở biển Đông, có múc một hay nhiều thùng biển cũng không cạn, mà không múc thùng nào cũng vẫn thế thôi. Ý nói, hoạt động Quốc hội là hoạt động tập thể, nên nếu cá nhân không làm gì, cũng không thể hiện rõ. Cho nên việc tự nguyện, hết lòng vì dân là rất quan trọng. Khi đó, họ mới dành hết thời gian, sức lực cho việc lập pháp, giám sát, xem xét các vấn đề quan trọng. Hơn nữa, ĐB chuyên trách cũng phải chuyên sâu, có từng trải thực tế ở từng lĩnh vực cụ thể, chuyên môn hóa phải cao. Phải thấm nhuần lời dạy của Bác là phải “vừa hồng vừa chuyên”, nếu chỉ có một vế thôi cũng chưa đủ.
Để có được những người ĐB đủ về năng lực, phẩm chất, đạo đức, phải sàng lọc cho thật kỹ. Từ các cơ quan được giao nhiệm vụ giới thiệu, lựa chọn đến quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ, cần hết sức quan tâm ở khâu lựa chọn, đề cử và cuối cùng là những lá phiếu trách nhiệm của cử tri trong việc lựa chọn ra người đại diện của mình, thay mặt mình quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tại cơ quan quyền lực tối cao.
Với những điều ông đã nói, có thể thấy rằng, chắc chắn việc tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách sẽ giúp hoạt động của Quốc hội hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong công tác xây dựng luật nói riêng và mang lại những lợi ích cụ thể cho người dân?
- Đúng thế, nhưng tôi cũng nhấn mạnh lại, đây chỉ là một yếu tố. Lập pháp là vấn đề rất quan trọng. Đất nước muốn phát triển đầu tiên phải nằm ở khâu “kiến tạo”, ở đây chính là làm luật. Trong thời điểm hội nhập sâu rộng như hiện nay, càng đòi hỏi những người trong cơ quan lập pháp phải có năng lực, có khả năng dự báo, mới ra được những quyết sách đúng để áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống, thúc đẩy xã hội phát triển.
Tất nhiên, ĐB chuyên trách chỉ là một điều kiện ban đầu, bởi nhiệm vụ lập pháp rất phức tạp, nặng nề, luôn đòi hỏi các nhà lập pháp phải là những người thông thái với kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm và bản lĩnh; đồng thời, không ngừng đổi mới, hướng đến tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động.
Hơn nữa, trong quy trình, cách thức xây dựng luật cũng nên tiếp tục có sự đổi mới, để có được sự tham gia sâu hơn của các ĐB ngay từ khâu soạn thảo, xây dựng... Khi công tác xây dựng luật hiệu quả hơn, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ các chính sách sát thực và phù hợp thực tiễn ấy.
Việc tăng ĐB chuyên trách còn giúp nguyên tắc kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn, tránh chủ thể vừa thừa hành lại vừa giám sát chính mình, hay nói một cách hình ảnh là "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Với việc chuẩn bị sớm, quy trình tiến hành công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp như hiện nay, tôi rất tin tưởng sẽ lựa chọn được đội ngũ tốt ĐB dân cử đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là đội ngũ ĐB chuyên trách. Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cũng như trông đợi của người dân.
Xin cảm ơn ông!

"Có người đã ví, làm ĐB Quốc hội như người đi múc nước ở Biển Đông, có múc một hay nhiều thùng biển cũng không cạn, mà không múc thùng nào cũng vẫn thế thôi. Ý nói, hoạt động Quốc hội là hoạt động tập thể, nên nếu cá nhân không làm gì, cũng không thể hiện rõ. Cho nên việc tự nguyện, hết lòng vì dân là rất quan trọng." - TS Nguyễn Viết Chức

KTĐT