Hà Nội: Kiến nghị kịp thời ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng, tránh ảnh hưởng đến ứng cử viên trong vận động bầu cử
Tin tức - Ngày đăng : 17:47, 15/04/2021
Tại điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương. Cùng dự có các Phó Chủ tịch và đại diện các ban Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; đại diện Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP…
Theo đại diện Ban Dân chủ pháp luật - Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, thực hiện Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về kiểm tra, giám sát công tácbầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (đợt 1), từ ngày 19-31/3/2021, Ban Thường trực chủ trì tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại 16 tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Tại mỗi tỉnh, đoàn nghe báo cáo, trao đổi với Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện (làm việc với 16 đơn vị cấp huyện); kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan tổ chức triển khai công tác bầu cử của mỗi địa phương. Trong quá trình đó, đoàn cũng khảo sát, trao đổi trực tiếp nắm bắt tình hình tổ chức triển khai công tác bầu cử của một số đơn vị cấp xã.
Trên cơ sở trao đổi, khảo sát, kiểm tra, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá: Công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử tại 16 tỉnh được triển khai khẩn trương, kịp thời, dân chủ, công khai, đúng luật; quá trình triển khai đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, phát huy dân chủ trong quá trình hiệp thương để thỏa thuận cơ cấu, thành phần giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Việc lập, tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ ứng cử đúng thời gian; hoạt động tuyên truyền được triển khai có nhiều sáng tạo...
Tuy nhiên, sau kiểm tra giám sát cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế cần rút kinh nghiệm trong triển khai công tác bầu cử. Đó là một số đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã có tình trạng người được giới thiệu ứng cử là thành viên Ban bầu cử cùng cấp, sẽ vi phạm quy định tại Luật Bầu cử nếu không được rà soát, khắc phục kịp thời; một số cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định chưa đúng, đủ đối tượng, thành phần tham dự hội nghị, nhất là hội nghị Ban lãnh đạo để dự kiến giới thiệu người ứng cử, hội nghị lấy tín nhiệm của cử tri nơi làm việc, hội nghị Ban lãnh đạo mở rộng để giới thiệu ứng cử… Ở một số địa phương, danh sách giới thiệu người ứng cử trình tại hội nghị hiệp thương chưa đảm bảo số dư theo quy định, sẽ gây khó khăn về dự phòng ĐB được bầu nếu có bất trắc xảy ra, làm cho quá trình hiệp thương phần nào mang tính hình thức. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát bầu cử của một số địa phương chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện sai sót; vẫn bỏ lọt tồn tại, hạn chế; có đơn vị cấp tỉnh chưa chủ động triển khai kiểm tra, giám sát.
Tại Hội nghị đã ghi nhận ý kiến trao đổi, kiến nghị của một số địa phương như Hải Phòng, Điện Biên, Hà Nội…, đều đã được đại diện Ban Dân chủ-pháp luật (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) giải đáp cụ thể. Trong đó, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân cho hay: Các nội dung hướng dẫn, nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội và thông tri hướng dẫn, kế hoạch của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về công tác bầu cử rất đầy đủ, từ đó, TP Hà Nội cũng đã ban hành đầy đủ hướng dẫn, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bầu cử, đặc biệt kế hoạch thực hiện kiểm tra giám sát. TP đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy và của Ủy ban T.Ư MTTQ TP; Ủy ban T.Ư MTTQ TP triển khai tập huấn, hoàn thành kiểm tra giám sát đợt 1 tại các quận, huyện; các quận, huyện cũng kiểm tra giám sát tại 100% xã, phường, thị trấn. Các đoàn kiểm tra định kỳ đúng quy định, trong đó 1 đoàn đã kiểm tra đột xuất tại huyện Thường Tín; kịp thời tháo gỡ khó khăn và chấn chỉnh, khắc phục ngay những sai sót trong công tác chuẩn bị bầu cử; tạo điều kiện để những địa phương vùng sâu, xa được tổ chức tập huấn trực tiếp.
“Thời gian tới, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ triển khai tổ chức kiểm tra giám sát công tác bầu cử đợt 2 trên địa bàn, nên mong Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam sớm có hướng dẫn và đề cương cụ thể. TP Hà Nội cũng kiến nghị, số cuộc tiếp xúc cử tri của ĐB để vận động bầu cử riêng với cấp xã nên điều chỉnh cho phù hợp quy mô thực tế, giảm bớt so với 3 cuộc như quy định hiện nay. Phục vụ việc các ứng cử viên vận động bầu cử thực hiện chương trình bầu cử, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cần liên hệ Bộ TT&TT và Bộ Công an kịp thời ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng, gây ảnh hưởng lớn cho ứng cử viên trong vận động và đặc biệt trong quá trình bầu cử. Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng cần quan tâm những cán bộ trong hệ thống mặt trận tham gia là ứng cử viên để đảm bảo trong cơ cấu phát huy tốt vai trò MTTQ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân”- Phó Chủ tịch Đàm Văn Huân đề nghị.
Tại hội nghị, rút kinh nghiệm từ đợt 1 kiểm tra giám sát công tác bầu cử tại các địa phương, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác bầu cử ở địa phương trên cả nước để thực hiện thống nhất; có kế hoạch cấp bổ sung kinh phí phục vụ công tác bầu cử, nhất là với địa phương miền núi chưa cân đối được ngân sách; ban hành ngay hướng dẫn tổ chức thực hiện bầu cử trong điều kiện nếu có bùng phát dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt, đặc biệt việc xác định tư cách, lập và niêm yết danh sách cử tri tại những khu cách ly xã hội, chữa bệnh tập trung và đảm bảo điều kiện cho cử tri các khu vực này thực hiện quyền bầu cử. Sau cuộc bầu cử, Hội đồng cần tổng hợp những khó khăn vướng mắc để nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cho nhiệm kỳ bầu cử tiếp theo.
Đối với Ủy ban bầu cử các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Ban Thường trực đề nghị tiếp tục thực hiện tốt Chỉ chị của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan công tác bầu cử; chỉ đạo sâu sát, thường xuyên để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn phát sinh; chuẩn bị tốt để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng luật, thực sự là ngày hội của toàn dân; có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm chất lượng ĐB, bầu đủ số lượng từng cấp, tỷ lệ, cơ cấu, thành phần theo quy định. Đồng thời, tập trung tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần ba; lập, công bố, niêm yết danh sách chính thức người ứng cử đúng kế hoạch; quan tâm tập huấn nghiệp vụ bầu cử; triển khai tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của các ứng cử viên đảm bảo công bằng, đúng luật; thực hiện tuyên truyền hiệu quả; kịp thời giải quyết đơn thư liên quan, không để xảy ra điểm nóng trong bầu cử; có phương án sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 để tổ chức bầu cử thành công…
Đại diện Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng cho biết, Ban Thường trực đã ban hành kế hoạch tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát (đợt 2) công tácbầu cử, do đại diện Ban Thường trực là trưởng đoàn, dự kiến kiểm tra giám sát tại 17 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư từ ngày 20/4-22/5/2021. Tại mỗi địa phương, đoàn sẽ làm việc với UBBC cấp huyện (1 buổi) và với UBBC cấp tỉnh (1 buổi). Để thực hiện tốt, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, UBBC và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan ở địa phương xây dựng báo cáo, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phối hợp các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiểm tra, giám sát công tác bầu cử trên địa bàn.