Doanh nghiệp Việt - Mỹ bắt tay nâng cấp hạ tầng hàng không, Bamboo Airways chuẩn bị để bay thẳng từ quý III
Tin tức - Ngày đăng : 09:24, 16/04/2021
Hơn 80 đại diện khu vực công và tư nhân của cả hai nước đã thảo luận về các cơ hội và lĩnh vực hợp tác khi cả hai nước chuẩn bị cho chuyến bay thẳng.
Các công ty hàng đầu Mỹ gồm Autodesk, Boeing, Collins Aerospace, Haskell, Honeywell, Mitre, Rapiscan, JBT Aerotech, Turner Construction, và Tyco Security đã chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp sáng tạo trong việc phát triển sân bay và trao đổi cơ hội để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.
Hội thảo cũng có sự góp mặt của Cục Quản Lý Hàng Không Liên Bang Mỹ, Cơ Quan Quản Lý An Ninh Vận Tải Mỹ, Bộ Thương Mại Mỹ, và Cơ Quan Phát Triển Thương Mại Mỹ, tất cả đều tập trung hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để phát triển ngành vận tải hàng không an toàn và hiệu quả.
Các cơ quan chính phủ Mỹ đang làm việc để cung cấp nhiều hỗ trợ và chuyên môn, từ hỗ trợ kỹ thuật đến tài chính, từ giai đoạn lập kế hoạch đến các dự án thí điểm. Đại diện từ Cục Hàng Không Việt Nam và Cảng Hàng Không Việt Nam đã chia sẽ thông tin liên quan đến kế hoạch phát triển hạ tầng hàng không Việt Nam.
Ảnh
Trước đó, Hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp Giấy phép vận chuyển hành khách, hàng hóa, bưu phẩm giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, Bamboo Airways sẽ được phép thực hiện các chuyến bay thẳng không nối chuyến bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, giữa các sân bay lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tới tất cả các cảng hàng không quốc tế tại Mỹ.
Hãng đang gấp rút triển khai các thủ tục đệ trình xin cấp phép từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam và Mỹ để chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động khai thác.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết hãng dự kiến thực hiện các chuyến bay thuê chuyến tới Mỹ từ tháng 7 tới, khai trương đường bay thẳng kết nối TP.Hồ Chí Minh và San Francisco vào tháng 9/2021, với tần suất ban đầu là 3 chuyến/tuần.
Các chuyên gia đánh giá tiềm năng thị trường hàng không giữa hai nước là rất lớn, với khoảng 700 nghìn lượt khách đi lại mỗi năm, trong khi chỉ cần khoảng 30 - 60 nghìn lượt khách/năm là có thể tính đến việc mở đường bay.