Độc đáo làng nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:43, 21/04/2021

Nhắc đến nghề làm nón ở miền Bắc, người ta thường nhớ tới làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Nhưng ít người biết rằng, để có chiếc nón đẹp cần phải có khung chuẩn làm từ những chiếc vòng, nan nón được vót tỉ mỉ nhờ bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề Đôn Thư (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai). Nghề này đã có cách đây hàng trăm năm. Ở Đôn Thư, từ người già đến trẻ em đều có thể vót vòng, nan nón một cách nhuần nhuyễn.
Độc đáo làng nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư

Để có một bộ khung nón hoàn chỉnh, cần có các loại vòng với kích cỡ khác nhau. Vòng cái có kích thước lớn nhất, được làm từ tre, dùng để cạp nón. Vòng con làm bằng nứa, có kích thước nhỏ hơn. Để vót được những chiếc vòng có độ bền và độ tròn đáp ứng tiêu chuẩn làm nón, người thợ phải có kinh nghiệm pha, vót vòng cùng tay nghề khéo léo.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người làm nón, người thợ vót vòng, nan nón Đôn Thư thường sản xuất hai loại vòng khác nhau loại vòng tròn được vót tròn, nhẵn một cách đồng đều; loại vòng chẻ được chẻ từ nứa thành từng thanh đều nhau, không cần vót nhẵn. Ngoài các loại vòng trên còn có sợi vòng dùng để cạp nón cùng với vòng cái, thường được làm từ bụng nứa cho độ dai, bền, kích thước chỉ nhỏ bằng cái tăm. Cuối cùng là vòng chóp được làm bằng dây nhôm nhỏ màu vàng, có chức năng như trụ chính để sắp xếp các vòng nhỏ ở phía trên và to dần khi xuống dưới.

Sau khi vót, chẻ vòng, người ta tiến hành công đoạn cuối là xát vòng, bằng cách ngồi trên ghế, dùng hai chân chà đi chà lại để không còn xơ thừa trên sợi vòng. Tiếp đó, người ta uốn những chiếc vòng con cho cong tròn, sao cho khi người làm nón “bứt vòng”, ướm vào khuôn nón, sợi vòng sẽ vừa khít với khuôn. Mỗi khuôn nón hoàn chỉnh thường gồm 1 “cữ”, mỗi “cữ” từ 25 đến 30 “cỗ”. Sau khi chia vòng thành các “cữ” theo số lượng quy định, người dân làng nghề vót vòng, nan nón Đôn Thư sẽ mang bán trong các phiên chợ Chuông.

Ngày nay, mặc dù thu nhập từ nghề làm nón không cao nhưng người dân Đôn Thư vẫn luôn có ý thức giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

HNM