Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh: Kiểm soát tốt dịch Covid-19 để phục hồi tăng trưởng kinh tế Thủ đô
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:25, 23/04/2021
Chiều 22/4, Hội nghị trực tuyến học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức tiếp tục diễn ra. Tại hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã truyền đạt tới các đại biểu về 3 chương trình công tác số 02-CTr/TU, 05-CTr/TU và 09-CTr/TU.
Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong. Tham dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Thông tin về Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, chương trình được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của T.Ư về phát triển kinh tế, huy động nguồn lực, cơ cấu lại nền kinh tế, khoa học - công nghệ, phát triển bền vững; các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành ủy, những định hướng lớn để phát triển Thủ đô theo 9 thông báo kết quả làm việc giữa Thường trực Thành ủy với các bộ, ngành T.Ư trong năm 2020.
Theo đó, Chương trình có kết cấu 3 phần gồm: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020; mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện. Ngoài ra còn có 6 phụ lục, 1 biểu danh mục các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chương trình.
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, chương trình đặt ra 5 mục tiêu cụ thể, 11 chỉ tiêu chủ yếu. Đáng chú ý, TP quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 và thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép”; phục hồi tăng trưởng kinh tế với các giải pháp đồng bộ gắn với đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu trên, Chương trình số 02-CTr/TU đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực để thúc đẩy phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý kinh tế, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.
Đáng chú ý, Chương trình số 02-CTr/TU xác định tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô như: Quy hoạch, thu hút nguồn lực, nhân lực chất lượng cao, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính theo hướng rút gọn… Hoàn thành số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu dùng chung, tiến tới xây dựng hạ tầng số, phát triển dịch vụ số, xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Trong Chương trình số 02-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội khóa XVII cũng xác định, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất, cơ cấu lại và phát triển nhanh các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Đi đôi với việc thực hiện các giải pháp tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và nâng cao đóng góp của khu vực tư nhân, Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, bảo đảm cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường; áp dụng các thực tiễn quản trị tốt của quốc tế và quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… Đối với kinh tế tập thể, có cơ chế, hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường.
Về huy động nguồn vốn đầu tư, ngân sách thành phố phải được sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các công trình có tính cấp bách, trọng tâm trọng điểm; sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí. Với nguồn vốn ngoài ngân sách, cần xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phải nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng liên kết và chuyển giao công nghệ; khuyến khích thu hút đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia, thuộc nhóm tốp 500 thế giới.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội kiên trì các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung khắc phục và nâng cao các chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp. Từng bước hình thành và phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…