Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đô thị trong bối cảnh hiện nay
Chính sách & Quản lý - Ngày đăng : 11:35, 25/04/2021
Hà Nội hôm nay Ảnh: Phạm Hoài Nam
Trong những năm qua, công tác quy hoạch đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, triển khai tích cực, sâu rộng trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đã tạo căn cứ cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương trong cả nước. Quy hoạch đã là công cụ hữu hiệu để quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ làm công tác quy hoạch và chất lượng quy hoạch đã từng bước có thay đổi rõ rệt. Trong đó việc lập và quản lý theo quy hoạch đô thị đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển của cả nước, bộ mặt đô thị của các tỉnh thành phố đã được thay đổi theo hướng văn minh, xanh - sạch - đẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác lập quy hoạch đô thị hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ; nhiều dự án vẫn trong trình trạng bỏ hoang, đầu tư xây dựng dở dang; ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn diễn ra; khiếu kiện vẫn xảy ra tại nhiều nơi… Nguyên nhân có thể kể ra nhiều nhưng chúng ta có thể tập trung vào một số nguyên nhân chính: hệ thống quy hoạch chồng chéo, trùng lặp gây tốn kém nguồn lực; hệ thống luật còn chưa đồng bộ, giảm hiệu quả của các quy hoạch; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tầm nhìn xa (đặc biệt công tác dự báo của quy hoạch); bất cập trong công tác xây dựng kế hoạch, thẩm định, triển khai theo kế hoạch; nhiều nơi còn thiếu chương trình và kế hoạch phát triển đô thị; bất cập trong công tác giám sát, kiểm tra thực hiện.
Trước những tồn tại đang hiện hữu, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến công tác quy hoạch, đặc biệt như: Luật quy hoạch số 21/2017/QH14, Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch,... Luật Quy hoạch 2017 đã cho khái niệm: “Tích hợp quy hoạch là phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong việc lập quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả bền vững”.
Hiện nay, các hệ thống quy hoạch bao gồm: quy hoạch xây dựng (quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng); quy hoạch đô thị (quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị), quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch khu vực nông thôn. Các loại hình quy hoạch trên cần phải đảm bảo và dựa trên các căn cứ, trong đó cần phải căn cứ vào “quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh”.
Như vậy, công tác quy hoạch trước bối cảnh hiện nay đã thể hiện rất nhiều yêu cầu đổi mới toàn diện, đặc biệt là việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành với quy hoạch đô thị cần thể hiện tính chiến lược (* ), tăng cường sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, trách nhiệm của cộng đồng và phải có sự phối hợp toàn diện, đồng bộ, nhằm lựa chọn giải pháp thực thi, giải quyết thấu đáo mối quan hệ qua lại giữa các ngành, các cấp, giữa lập quy hoạch và thực thi.
Thời gian qua, liên quan đến công tác quy hoạch, nhiều quyết định, chỉ thị, kế hoạch đã được ban hành: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt; Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng…; Thành phố Hà Nội cũng ban hành nhiều kế hoạch triển khai liên quan đến quy hoạch: Kế hoạch 125/KH-UBND ngày 01/6/2017, số 235/KH-UBND ngày 01/11/2019, số 130/KH-UBND ngày 22/6/2020, số 65/KH-UBND ngày 26/3/2020... Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình 05 về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.
Công viên Cầu Giấy nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Hoàng Hiền
Để triển khai một cách đồng bộ, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành tại Thành phố Hà Nội trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, gần đây Ban cán sự Đảng bộ Xây dựng và Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 2822-TB/BCSĐ-TU ngày 26/8/2020 thông báo kết luận Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan, trong đó đã thống nhất một số nội dung về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thành phố Hà Nội trong thời gian tới nhằm “Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững…”,
Đối với Thành phố Hà Nội, đòi hỏi các nhà khoa học, các kiến trúc sư, đặc biệt các nhà quản lý về quy hoạch đô thị cần tiếp tục cố gắng, nghiên cứu, tập trung định hướng đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị; trong đó cần đổi mới, đảm bảo các yêu cầu: Phương pháp lập quy hoạch tích hợp với các quy hoạch ngành như đã nêu trên; phù hợp với nền kinh tế thị trường, đáp ứng được số đông dân cư đô thị (cốt lõi cho sự ổn định của người dân trong sự phát triển); tạo ra những sản phẩm quy hoạch đô thị bền vững, đô thị thông minh (trên cơ sở đáp ứng đồng bộ nền tảng tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, hạ tầng dịch vụ có sự đồng bộ trong quản lý); xóa bỏ cách tiếp cận quy hoạch từ trên xuống (phát huy vai trò, thể chế của chính quyền đô thị song hành với sự tham gia của cộng đồng); phát huy công tác xã hội hóa trong lĩnh vực lập quy hoạch, giảm quy trình và thời gian quy hoạch). Các lớp không gian trong quy hoạch phải coi quy hoạch đô thị là ưu tiên và bản thân quy hoạch đô thị phải tích hợp. Xây dựng chính quyền đô thị có tính tự chủ là căn bản để tích hợp các nguồn lực, thực thi và điều phối hiệu quả. Từ đó chúng ta có thể hướng tới quy hoạch đô thị một cách bền vững: bền vững về xã hội, bền vững về tự nhiên, bền vững về kỹ thuật, bền vững về tài chính.
..................................................
Ví dụ: Hiện nay quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu, mạng lưới trụ sở đội cảnh sát PCCC,… chưa được xác định cụ thể trong các quy hoạch đô thị.