Những điểm lưu ý khi lập và công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND
Tin tức - Ngày đăng : 17:37, 26/04/2021
Với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trên cơ sở danh sách giới thiệu của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và dự kiến bố trí người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử do các địa phương gửi đến, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước chậm nhất là ngày 27 tháng 4 năm 2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).
Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia chậm nhất là ngày 03 tháng 5 năm 2021 (20 ngày trước ngày bầu cử); đồng thời, các Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người để cử tri nắm được thông tin.
Với người ứng cử đại biểu HĐND, trên cơ sở danh sách giới thiệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở từng đơn vị hành chính lập và công bố Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp mình theo từng đơn vị bầu cử chậm nhất là ngày 27/4/2021 (25 ngày trước ngày bầu cử).
Trên cơ sở quyết định của các Ủy ban bầu cử, Tổ bầu cử có trách nhiệm niêm yết ngay Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở khu vực bỏ phiếu mà mình phụ trách kèm theo tiểu sử tóm tắt của từng người chậm nhất là ngày 3/5/2021 (20 ngày trước ngày bầu cử) để cử tri nắm được thông tin.
Như vậy, trên cơ sở danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt
Ủy ban bầu cử không có thẩm quyền loại bớt người đã có tên trong danh sách hoặc bổ sung người không có tên trong danh sách do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam chuyển đến, trừ trường hợp phát hiện ra người ứng cử thuộc đối tượng bị xóa tên do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử đại biểu hoặc trường hợp người ứng cử chết hay vì lý do khác không thể tiếp tục ứng cử được nữa.
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được xếp theo vần A, B, C...
Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, quê quán, nơi ở hiện nay, trình độ, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử và một số thông tin bổ sung khác (như ngày vào Đảng, là đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các khóa nào chưa…). Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...
Tổ chức phụ trách bầu cử cần ghi đúng họ và tên đã khai trong hồ sơ của người ứng cử. Trường hợp họ và tên khai sinh của người ứng cử khác với họ và tên thường dùng hoặc người ứng cử có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo thì tại phần ghi họ và tên người ứng cử trong danh sách người ứng cử, họ và tên khai sinh được viết trước, họ và tên thường dùng hoặc chức vị, pháp danh theo tôn giáo viết sau và được đặt trong dấu ngoặc đơn; không cần ghi bí danh hoặc các tên gọi khác chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp hoặc đã lâu không còn sử dụng.
Ví dụ: người ứng cử có tên thường dùng là Nguyễn Văn, tên khai sinh là Nguyễn Văn A thì tên ghi trong danh sách người ứng cử là: Ông NGUYỄN VĂN A (NGUYỄN VĂN); hoặc người ứng cử là chức sắc tôn giáo có tên khai sinh là Nguyễn Văn A, chức vị và pháp danh trong tôn giáo là Hòa thượng Thích Thanh A hoặc Linh mục Nguyễn Văn A thì ghi tên người ứng cử là Ông NGUYỄN VĂN A (HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A) hoặc Ông NGUYỄN VĂN A (LINH MỤC NGUYỄN VĂN A). Trong các trường hợp này, việc ghi họ, tên người ứng cử trên danh sách người ứng cử hoặc trên phiếu bầu cử có thể viết liên tục trong một dòng hoặc thể hiện thành hai dòng liền nhau nhưng phải có cùng kiểu chữ, cỡ chữ như họ và tên của những người ứng cử khác trong cùng danh sách.
Trường hợp họ và tên của những người ứng cử có phần tên giống nhau thì căn cứ vào phần họ để xác định thứ tự; trường hợp phần họ cũng giống nhau thì căn cứ vào phần tên đệm. Trường hợp trùng hoàn toàn cả họ, tên và tên đệm thì xếp theo ngày tháng năm sinh; người nào có ngày tháng năm sinh sớm hơn thì được xếp trước. Tuy nhiên, các Ủy ban bầu cử cần lưu ý không bố trí, sắp xếp 2 người ứng cử có họ và tên trùng nhau trong Danh sách những người ứng cử ở cùng một đơn vị bầu cử để tránh gây nhầm lẫn cho cử tri.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử ở một đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính nào thì cũng chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở một đơn vị bầu cử đại biểu HĐND ở cấp tương ứng trên địa bàn đơn vị hành chính đó.
Ở mỗi đơn vị bầu cử. số người ứng cử trong danh sách chính thức phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất 2 người
Số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội phải nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 2 người.
Số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND ở từng cấp phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó; nếu đơn vị bầu cử được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 2 người; nếu đơn vị bầu cử được bầu 4 hoặc 5 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là 3 người. Trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu HĐND được ấn định bầu 1 hoặc 2 đại biểu thì số người ứng cử chỉ cần nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 1 người.
Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét, quyết định trong trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng và hướng dẫn để Ủy ban bầu cử các cấp xem xét, quyết định đối với trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng.