Trước thềm bầu cử quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Tỉnh táo trước các thông tin xuyên tạc

Tin tức - Ngày đăng : 15:25, 29/04/2021

Chỉ còn gần một tháng nữa là tới kỳ bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tuy nhiên, trong lúc cả hệ thống chính trị và người dân đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đất nước thì các thế lực thù địch, phản động, chống đối lại tập trung tung ra các hoạt động chống phá bầu cử.
Âm mưu chia rẽ đoàn kết dân tộc
Mặc dù những thủ đoạn này không mới, thường lặp lại trước mỗi kỳ bầu cử nhưng vẫn vô cùng nguy hiểm khi xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cụ thể, trong suốt thời gian qua, các trang tiếng Việt của một số tờ báo như BBC, RFI, VOA... hay những tổ chức phản động Việt Nam Thời Báo, Việt Tân... đã lợi dụng tối đa môi trường mạng nhằm chống phá bầu cử với tần suất ngày càng gia tăng.
Không chỉ bằng bài viết mà các cuộc phỏng vấn, bàn tròn cũng được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống đối mặc sức xuyên tạc, đưa ra các thông tin không kiểm chứng, đánh giá phiến diện và những đòi hỏi vô lý. Mục đích được nhắm tới là kéo dư luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc hoài nghi từ đó dẫn tới nhận thức sai lầm của một bộ phận người dân về công tác bầu cử.
Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất được đối tượng chống đối tung ra là xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Các luận điệu hoàn toàn sai lệch như "Bầu cử chỉ là màn kịch do Đảng đại diện", "Đảng tự sắp xếp các ĐB Quốc hội", "Bầu cử chỉ là trò cười"... có thể dễ dàng tìm thấy trên các mạng xã hội như Facebook hay Youtube. Từ đó những đối tượng này đưa ra các yêu sách phi lý như Đảng không được tham gia công tác bầu cử, chấp nhận đa nguyên, đa đảng để thúc đẩy dân chủ... Đáng chú ý, bên cạnh phần lớn người đọc phản bác và không đồng tình với những thông tin sai lệch trên vẫn có một bộ phận ủng hộ mà không hề quan tâm đến tính chính xác của những gì mình đọc.
Có thể khẳng định như trên là bởi Đảng đang thực hiện đúng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình theo quy định tại Hiến pháp. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, ĐB trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Do vậy, việc Đảng lãnh đạo đối với công tác bầu cử là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Thực tế cũng đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bầu cử trong nhiều năm qua đã đảm bảo được sự thống nhất, toàn diện về mọi mặt từ đó lựa chọn được những ĐB tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân trong Quốc hội khóa và HĐND các cấp. Và kết quả là tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam luôn ổn định và có sự phát triển vượt bậc, không rơi vào tình trạng bất ổn như một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, chiêu trò "tự ứng cử" cũng diễn ra khá phổ biến, thường thấy tại các hội nhóm trên mạng xã hội mang chiêu bài dân chủ khi kêu gọi ký tên ảo, tung hô, ủng hộ các "nhà dân chủ" tham gia ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND với mục đích chính là gây rối, phá hoại cuộc bầu cử. Có thể kể đến những cái tên đình đám trong số này như Lê Văn Dũng (hay còn được gọi là Lê Dũng Vova), Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh....
Ngoài mục đích xấu những kẻ này mượn “tự ứng cử” nhằm đánh bóng tên tuổi của mình và tự cho mình là những người dân chủ. Tới khi những đối tượng trên bị loại khỏi danh sách tự ứng cử vì không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu theo quy định Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND thì chúng lại đưa chiêu bài xuyên tạc "không dân chủ", "Đảng độc đoán"... ra để biện hộ cho sự thất bại của mình cũng như tranh thủ gây rối tình hình chung.
Ngoài ra, càng gần ngày bầu cử, số lượng tin xấu, độc, sai sự thật càng được các đối tượng chống phá tung ra dồn dập hơn, chủ yếu được phát tán qua mạng xã hội nhằm dễ dàng tiếp cận tới số đông người xem. Những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật dạng này rất dễ nhận biết thông qua tiêu đề hoặc nội dung như "sắp xếp ghế trong Quốc hội", "ĐB Quốc hội là phe của Đảng", "cơ cấu ĐB ngoài Đảng quá ít" ... Được biết, trong thời gian qua, chỉ tính riêng tổ chức phản động Việt Tân đã cho lập mới 300 tài khoản, duy trì 1.000 tài khoản trên các mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để gây hoang mang trong người dân, phá hoại tư tưởng cũng như làm phức tạp thêm tình hình xã hội trước bầu cử.
Tăng sức đề kháng trước các thông tin xấu, độc
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, không chỉ trong kỳ bầu cử ĐB Quốc hội khoá XV mà bất kể khi nào có sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước thì phía chống đối lại có chiêu trò xuyên tạc, bóp méo, không loại trừ các đối tượng thù địch giới thiệu những người của phía họ ra tự ứng cử.
"Công tác bầu cử hiện nay dành từ 5 - 10% cho những người ngoài Đảng thể hiện sự dân chủ trong Đảng. Đối với những phần tử chống đối lấy danh nghĩa là tự ứng cử thì bản thân chúng ta cũng đã có những “bộ lọc” rất tốt. Mỗi cá nhân tự ứng cử đều cần được thông qua 3 vòng hiệp thương. Với “bộ lọc” rất khắt khe và nghiêm khắc từ phía cử tri, HĐND các cấp, công tác bầu cử diễn ra công khai, minh bạch. Ngay cả những đảng viên không đủ năng lực và đủ tâm, đủ tầm vẫn bị loại”- ông Lê Như Tiến khẳng định.
Cũng theo ông Lê Như Tiến, “bộ lọc” được nhắc đến ở đây trước hết là cử tri, tiếp đến chúng ta có những cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan điều tra về xuất thân, trình độ học vấn, thâm niên công tác... Vì vậy, rất khó xảy ra việc các đối tượng thù địch núp bóng dưới danh nghĩa tự ứng cử để chui sâu, leo cao vào bộ máy Nhà nước.
“Căn cứ vào công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân phải thận trọng trong việc giới thiệu những người ra ứng cử. Thực tế, Đảng cũng có quy định, nếu những người trong tổ chức của Đảng thì phải do Đảng giới thiệu. Nếu cá nhân tự ứng cử cũng có những thước đo và tiêu chí xét duyệt cụ thể. Trước hết, cá nhân đó cần không được vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm”- ông Tiến cho biết.
Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay dù các cơ quan chức năng đã có các biện pháp về công nghệ để ngăn chặn những thông tin quấy phá, nói xấu, bôi nhọ nhân sự cấp cao nhưng điều cốt yếu đó là cần tuyên truyền để mỗi người dân có nhận định chính xác trước thông tin trái chiều, xuyên tạc sự thật. Khi người dân có “sức đề kháng” trước thông tin gây nhiễu loạn thì họ có thể tự đánh giá đúng sai và phản bác những luận điệu thù địch để có cái nhìn đúng đắn.

"Trong quy trình bầu cử, MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức các hội nghị hiệp thương nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đảm bảo dân chủ và đúng luật; đảm bảo chất lượng của đại biểu. Đây là một mô hình rất chặt chẽ mà không phải quốc gia nào cũng có." - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Nguyễn Túc


"Trên thực tế có rất nhiều các ĐBQH tự ứng cử đã thành công và cũng có ĐBQH không phải đảng viên đã tham gia nghị trường và đóng góp rất là thành công. Rõ ràng đây là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, không chỉ bó hẹp trong những đại biểu là người trong Đảng mà rất coi trọng, mở rộng ra các thành phần khác, các tổ chức xã hội khác."- PGS Hoàng Văn Cường

KTĐT