10 chương trình công tác của Thành ủy khóa 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Tạo đà để Hà Nội phát triển vững chắc

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 15:32, 03/05/2021

Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội khóa XVII ban hành 10 Chương trình công tác nhiệm kỳ 2020 - 2025, các cấp ủy, đơn vị, quận, huyện trên địa bàn đã bắt tay ngay vào xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai, hiện thực hóa bằng các đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tầm nhìn và tư duy đổi mới để nhanh chóng đưa các chương trình vào triển khai hiệu quả.
Tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển
Việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình công tác toàn khóa là giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo có tính hiệu quả cao, nét độc đáo đã được khẳng định qua nhiều nhiệm kỳ tại Ðảng bộ TP Hà Nội. Với nhiệm kỳ này, điểm nhấn nổi bật và cũng là nét mới của 10 chương trình là nội dung đậm chất hành động; đi kèm với mỗi chương trình là phụ lục xác định rõ các phần việc cụ thể hóa, phân công, giao tiến độ cho các chủ thể là các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.Bên cạnh những chương trình mang tính kế thừa về công tác xây dựng Ðảng, xây dựng nông thôn mới, an ninh - quốc phòng hay phòng, chống tham nhũng… Thành ủy khóa XVII đã bổ sung 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI. Ðó là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 07-CTr/TU “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 08-CTr/TU “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, các chương trình này đều xuất phát từ nhu cầu cấp bách trước mắt và tư duy, tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của TP. Cụ thể, 10 năm qua, chương trình về nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả cao, tạo ra sự thay đổi lớn đối với “tam nông”, nhưng chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị lại chưa được quan tâm đúng mức, còn bất cập.
Việc có thêm chương trình về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị sẽ giúp Hà Nội phát triển thận trọng hơn, toàn diện hơn. Hoặc với Chương trình số 08-CTr/TU mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa tinh thần luôn đặt người dân vào vị trí trung tâm của mọi chủ trương, đường lối; cũng chính là tinh thần toát lên trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được cụ thể hóa tại Hà Nội.Như nhiều ý kiến nhận định, đây cũng là cơ sở để tháo gỡ những “nút thắt” tạo đà phát triển mới cho Hà Nội. Nội dung 10 chương trình công tác đã bao phủ tất cả các lĩnh vực được nêu trong Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về học tập, quán triệt 10 chương trình công tác, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ, mỗi chương trình có mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng, nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia. “Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo và cơ quan thường trực các chương trình phải thường xuyên trao đổi, phối hợp, giao ban để cùng đưa ra những quyết sách kịp thời, hiệu quả nhằm triển khai thắng lợi tất cả các chương trình”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Ngay sau khi 10 Chương trình công tác của Đảng bộ TP khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, quận đã dự thảo và thông qua 9 kế hoạch để cụ thể hóa những chương trình này (riêng Chương trình số 04 của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy về phát triển kinh tế, Quận ủy xây dựng không xây dựng kế hoạch riêng mà xây dựng kế hoạch chung lồng ghép cả 2 chương trình). Bên cạnh đó, quận cũng hoàn thiện 54 đề án, kế hoạch cụ thể hóa 7 Chương trình công tác của Quận ủy với mục tiêu, đảm bảo tính đồng bộ, tương thích để các chỉ tiêu của Ba Đình không thấp hơn chỉ tiêu của TP.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến

Đề cao tính chất, hành động khẩn trươngSự cụ thể trong nội dung từng chương trình công tác đã giúp các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới, đề cao tính chất hành động khẩn trương. Chương trình số 01-CTr/TU về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính... được cụ thể hóa với 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và 34 chuyên đề, đề án, đề tài, kế hoạch tổ chức thực hiện được phân công cho 11 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, với các đề án được giao chủ trì, Ban đang xây dựng các đề tài, đề án, chuyên đề, chương trình công tác.
Trong số đó có nghị quyết chuyên đề về công tác tổ chức cán bộ. Đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Thành ủy có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, sẽ có những giải pháp rất mạnh và rất mới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ TP đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đó là các giải pháp gắn với tiêu chuẩn, quy hoạch, đánh giá, luân chuyển, thay thế cán bộ.Hiện tất cả các đơn vị, sở ngành, quận, huyện, thị xã… của TP đều đã triển khai cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình công tác thành những kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với lộ trình và điều kiện đặc thù của địa phương, đơn vị mình.
Tại quận Cầu Giấy, đã xây dựng và triển khai 6 chương trình công tác toàn khóa của quận ủy sát với đặc điểm, tình hình của quận. Đồng thời, ngay sau đó cụ thể bằng các kế hoạch, chuyên đề cụ thể để phát triển kinh tế, thúc đẩy quản lý, chỉnh trang đô thị… Với 10 Chương trình công tác của Thành ủy, quận sẽ ban hành các kế hoạch để triển khai, trong đó xây dựng các đề án nhánh phù hợp với tình hình thực tế của quận.Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện quận đã ban hành 10 kế hoạch để triển khai 10 Chương trình công tác của Thành ủy, trong đó xác định rõ các mục tiêu, giải pháp, đề án. Như với Chương trình số 01-CTr/TU, quận xác định sẽ xây dựng một số đề án nhánh như nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, để thúc đẩy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ cơ sở; nâng cao chất lượng về công tác tư tưởng…
Đồng thời, quận đã đưa vào triển khai 6 chương trình công tác toàn khóa, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đề ra. Các chương trình bao phủ các lĩnh vực xây dựng Đảng, kinh tế, đô thị, văn hóa… để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng và phát triển đô thị… Đây chính là những tiền đề để quận triển khai thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy thuận lợi hơn, sát với địa bàn.Với việc sớm triển khai sâu rộng đến từng đơn vị, tổ chức cơ sở Đảng là tiền đề quan trọng để hệ thống chính trị của TP tiếp tục phấn đấu, xây dựng Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

Ngay sau khi 10 Chương trình công tác của Đảng bộ TP khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành kế hoạch học tập, quán triệt, quận đã dự thảo và thông qua 9 kế hoạch để cụ thể hóa những chương trình này (riêng Chương trình số 04 của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 của Thành ủy về phát triển kinh tế, Quận ủy xây dựng không xây dựng kế hoạch riêng mà xây dựng kế hoạch chung lồng ghép cả 2 chương trình). Bên cạnh đó, quận cũng hoàn thiện 54 đề án, kế hoạch cụ thể hóa 7 Chương trình công tác của Quận ủy với mục tiêu, đảm bảo tính đồng bộ, tương thích để các chỉ tiêu của Ba Đình không thấp hơn chỉ tiêu của TP.

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến

Thái San (ghi)

KTĐT