Nghề thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:00, 05/05/2021
Sản phẩm thủy tinh thổi đầu tiên và phổ biến nhất là ống tiêm Philatop, sau đó là các sản phẩm khác như bóng đèn dầu, nắp phích, ly uống nước, các loại con giống. Ban đầu, khi chưa có nguồn nguyên liệu, điện và mô tơ, người thợ sáng tạo và tận dụng các nguyên liệu và công cụ nghề khác sang nghề thổi thủy tinh.
Các bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng được tận dụng, rửa sạch lớp vôi bên trong rồi nấu chảy để thổi. Bễ lò rèn được chuyển dùng làm bễ thổi thủy tinh, bễ có chân đạp khí ở dưới, bên trên sử dụng 6 sợi bấc cuộn lại với nhau, bơm dầu hỏa liên tục để đốt cháy ngọn lửa lên đến nghìn độ. Người thợ dùng hai mảng bê tông khép ngọn lửa lại thành một khe, bễ đạp gió càng mạnh thì ngọn lửa càng lớn, được sử dụng nhiệt cho các loại thủy tinh khác nhau như thủy tinh kiềm, thủy tinh trung tính, thủy tinh chịu nhiệt cao. Thủy tinh khi mới cho vào lửa có màu xanh, đốt đến độ sẽ chuyển sang màu trắng.
Trong quá trình thổi, người thợ phải tập trung quan sát lúc thủy tinh chín và thổi, xoay tay để tạo hình, ngoài ra còn cần kỹ thuật vặn, kéo, hàn. Độ thổi mạnh yếu khác nhau sẽ cho ra sản phẩm khác nhau cũng như độ dày của thủy tinh. Sau khi thổi xong, để tránh thủy tinh bị co hoặc vỡ đột ngột khi đựng nước sôi (đối với ly), cần phải đem đi ủ gio vài giờ. Sau đó, các sản phẩm đều được bọc giấy báo, đóng thùng lót rơm cẩn thận để sản phẩm không bị gãy, vỡ.
Ngoài các sản phẩm gia dụng, người thợ Thống Nhất còn thổi tạo hình các con vật như hươu, ba ba, cá, cây thông, 12 con giáp, chuông gió... hết sức tinh xảo. Vào thời điểm nghề phát triển, các con vật còn được đổ nước màu bên trong, được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, các thôn Giáp Long, Hoàng Xá, Thượng Giáp của xã Thống Nhất vẫn còn giữ được nghề. Tuy nhiên, mỗi làng chỉ còn vài hộ làm theo lối công nghiệp. Vào những năm 1980 - 1990, thổi thủy tinh là nghề quan trọng của xã, ghi dấu ấn với Hợp tác xã Thủy tinh Thống Nhất nức tiếng gần xa.