Vận động bầu cử: Dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật

Tin tức - Ngày đăng : 10:35, 05/05/2021

Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 đang vào giai đoạn nước rút. Tại Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các cấp đang tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho những người ứng cử, đồng thời đẩy mạnh tổ chức kiểm tra, giám sát vấn đề này.
Tăng cường giám sát
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp vào thời điểm hiện nay là chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. Hoạt động này sẽ được MTTQ các cấp bắt đầu triển khai từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp, kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Theo quy định, có 2 hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử là: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi ứng cử; vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong hai hình thức này, người ứng cử đều phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu trúng cử.
Với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội xác định phải tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri bảo đảm an toàn, đúng luật, công khai, dân chủ. Đồng thời tạo điều kiện công bằng để các ứng cử viên được nghiên cứu, xây dựng và trình bày chương trình hành động, được trao đổi với cử tri về các vấn đề cần quan tâm. Dự kiến, từ ngày 6 - 14/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị cử tri đợt 1 để người ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV tại TP Hà Nội vận động bầu cử tại 10 đơn vị bầu cử.
Để bảo đảm việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tập trung giám sát một số nội dung chính như: Việc thực hiện các quy định về nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử; trách nhiệm của người ứng cử; những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử; trách nhiệm của các cơ quan trong việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử và việc bảo đảm công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử… Các chương trình hành động của người ứng cử sẽ được Ủy ban MTTQ TP lưu giữ để làm cơ sở giám sát hoạt động của ĐB nếu trúng cử.
Vận động người dân cùng tham gia
Cùng với công tác giám sát trong vận động bầu cử, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã và đang tiếp tục tiến hành công tác giám sát các nội dung khác liên quan đến bầu cử. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tại các địa bàn, để nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức, triển khai, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị biện pháp khắc phục.
Việc kiểm tra, giám sát của Ủy ban MTTQ TP sẽ tiếp tục tập trung vào lập, niêm yết danh sách cử tri; trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử. Bên cạnh đó, MTTQ TP cũng quan tâm, vận động người dân tham gia giám sát để cuộc bầu cử thật sự dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tiếp tục nắm tình hình dư luận Nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bầu cử, tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên để cử tri có điều kiện đánh giá, lựa chọn những người tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương, hiện tại, Mặt trận các cấp đang phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị điều kiện phục vụ cuộc bầu cử cũng như việc bảo đảm y tế về phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình bầu cử; bảo đảm dân chủ, đúng luật, tiết kiệm và an toàn, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ngày 4/5, Ủy  ban T.Ư MTTQ  Việt Nam ban hành hướng dẫn số 61/HD MTTW - BTT về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, đối với những địa phương ở trạng thái bình thường hoặc thực hiện giãn cách xã hội thì có thể tổ chức hội nghị trực tiếp hoặc trực tuyến. Đối với những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung, khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử... 

KTĐT