Hà Nội hợp tác với Phòng Thương mại Bắc Âu (NordCham)
Tin tức - Ngày đăng : 11:16, 14/05/2021
Tại buổi làm việc, Chủ tịch điều hành NordCham Quist Thomasen cho biết, hiện tại có hơn 100 doanh nghiệp thành viên NordCham đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đặt trụ sở tại Hà Nội. NordCham mong muốn, thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác, đặc biệt trong những lĩnh vực mà các thành viên có thế mạnh như xây dựng thành phố thông minh, đô thị xanh, tái tạo năng lượng. Bắc Âu có nhiều thành phố đi đầu về xây dựng thành phố xanh và thông minh như Hensinki, Copenhaghen, Amsterdam... Nhiều doanh nghiệp Bắc Âu có kinh nghiệm trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào xây dựng cơ sở hạ tầng giúp giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, môi trường, năng lượng, cấp thoát nước… NordCham sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu doanh nghiệp có tiềm năng hợp tác với Hà Nội.
Đề cập những tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Chủ tịch điều hành NordCham Quist Thomasen cho rằng, thời gian tới, sẽ có làn sóng doanh nghiệp của châu Âu sang đầu tư tại thị trường Việt Nam. Nhân dịp này, ông đề xuất thành phố Hà Nội đưa ra một số cơ chế để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp châu Âu trong việc tìm hiểu thông tin và tìm kiếm đối tác.
Điểm qua tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, qua hơn 30 năm đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố vẫn tăng trưởng, đạt 3,94%, cao gấp 1,4 lần mức tăng của cả nước, đứng thứ ba toàn quốc về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 3,38 tỷ USD. Hết quý I-2021, thu hút FDI đạt 152 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế; đến năm 2045 là thành phố có chất lượng sống cao, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, là thành phố kết nối toàn cầu...
Cùng với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng các hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực giao thông, y tế, môi trường. Theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, tại Việt Nam chưa có thành phố nào đạt tiêu chuẩn thành phố thông minh. Vì vậy, kinh nghiệm trong lĩnh vực này của các thành phố tiên phong tại Bắc Âu là rất hữu ích, đặc biệt với Hà Nội trong giai đoạn tới.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, Hà Nội luôn hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp Bắc Âu sang tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững...; đồng thời hy vọng, cuộc gặp lần này là khởi đầu mới cho giai đoạn hợp tác giữa Hà Nội và NordCham.