Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội: Ranh giới từ dễ dãi đến vi phạm
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:26, 28/05/2021
Quảng cáo, review… chỉ là diễn!
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội mang đến cho các nghệ sĩ cơ hội kiếm tiền từ quảng cáo sản phẩm. Nhưng chính sự sôi động, dễ dàng của nó cũng khiến rất nhiều nghệ sĩ trở nên dễ dãi với chính mình. Họ tham gia quảng cáo, giới thiệu đủ loại sản phẩm, dịch vụ nhưng không hề có sự kiểm chứng, không tìm hiểu sản phẩm, quảng cáo cả những sản phẩm không được phép.
Tháng 4-2021, công chúng phẫn nộ khi thấy một nữ nghệ sĩ tham gia quảng cáo một sản phẩm với những thông tin dàn dựng, sai sự thật. Cụ thể, trong clip đăng tải trên mạng, nữ nghệ sĩ này xưng rõ danh tính, giới thiệu về một loại sản phẩm có khả năng tiêu u xơ, u nang bằng công nghệ nano Nhật Bản.
Để người xem tin tưởng, nữ diễn viên này cho biết mình đang đứng trước cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đưa ra giấy khám sức khỏe định kỳ, bệnh án chứng minh bệnh đã hết nhờ sử dụng sản phẩm kia. Tuy nhiên, người xem đã kiểm chứng thông tin này, thấy rõ là những giấy tờ kể trên là không chính xác, phòng khám ghi trên giấy khám cũng như tên bác sĩ là không có thật.
Trên các diễn đàn, công chúng tỏ ý bức xúc: “Không thể chấp nhận việc lừa dối khán giả, người hâm mộ, trong khi bản thân là một nghệ sĩ nổi tiếng như thế”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không thấy nữ nghệ sĩ lên tiếng, và có vẻ vụ việc đã “chìm xuồng”.
Trước đó, có rất nhiều nghệ sĩ từng bị lên án vì quảng cáo cho các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành, thậm chí còn làm đại lý bán hàng cho những đường dây buôn bán hàng lậu bị công an triệt phá. Bên cạnh đó là những nghệ sĩ vô tư quảng cáo thuốc chữa bệnh theo kiểu “thần dược” khiến nhiều người lầm tưởng, bỏ qua đơn thuốc điều trị của bác sĩ, gây hậu quả khôn lường.
Chuyện không mới nhưng xử lý chưa tới
Mới đây, khi một số nghệ sĩ đăng bài quảng cáo một loại tiền ảo đang bị tố là lừa đảo lên mạng xã hội, công chúng mới giật mình về một mảng tối chưa hề được quản lý. Trao đổi với Hànộimới Cuối tuần, Luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH T2H cho biết: Hành vi quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm nghiệm chất lượng, trôi nổi trên thị trường thuộc hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Cụ thể, khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo quy định về hành vi này như sau: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về cho chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.
Tuy nhiên, trước những vụ việc như “giọt nước làm tràn ly”, các cơ quan quản lý đã phải lên tiếng. Ngày 20-5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn đến các hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật trên địa bàn, đề nghị lãnh đạo các hội kiểm tra, chấn chỉnh việc hội viên tham gia quảng cáo sản phẩm hàng hóa; vận động hội viên không tham gia nếu nội dung quảng cáo sai lệch, gây thiệt hại về kinh tế và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Công văn cũng lưu ý các văn nghệ sĩ tuyệt đối không tham gia quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành, hay sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Trong lúc chưa có chế tài xử phạt phù hợp, chúng ta chỉ có thể kêu gọi nghệ sĩ nâng cao trách nhiệm với cộng đồng trong việc tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Luật sư Lê Thị Thu Hương lưu ý thêm: “Người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Luật Quảng cáo năm 2012 cho thấy những điểm bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Việc các nghệ sĩ nhận lời quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội không còn là chuyện mới mẻ. Thù lao từ việc quảng cáo những sản phẩm này là rất lớn, tuy nhiên hậu quả thì chính người tiêu dùng phải gánh chịu. Người tiêu dùng nên trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình”.